0968 974 858 – Gia Sư Nhật Minh

ĐẾN VỚI BÀI THƠ “ĐỒNG CHÍ” CỦA CHÍNH HỮU

BÀI VIẾT: ĐẾN VỚI BÀI THƠ "ĐỒNG CHÍ" CỦA CHÍNH HỮU

 BÀI VIẾT: ĐẾN VỚI BÀI THƠ "ĐỒNG CHÍ" CỦA CHÍNH HỮU

Các em học sinh lớp 9 yêu quý! Thời gian này, các em đang phải chịu nhiều áp lực học tập, bởi kì thi vào THPT đang đến rất gần. Bản thân thầy từ ngày chuyển sang công tác mới cũng ít được lên lớp hơn. Nhớ lớp, nhớ những bài giảng văn, nhớ ánh mắt say sưa của các em, thầy xin viết ra thành những trang nghị luận văn học giúp các em đọc, có thêm tư liệu ôn thi môn Ngữ văn tốt hơn. Chúc các em học tốt, thi tốt! Thân ái!

BÀI VIẾT: ĐẾN VỚI BÀI THƠ “ĐỒNG CHÍ”
CỦA CHÍNH HỮU
Đề tài Người lính và chiến tranh luôn là mảnh đất màu mỡ của văn học nghệ thuật. Đã có “Hoan hô chiến sỹ Điện Biên” của Tố Hữu, “Tây Tiến” của Quang Dũng, “Bài thơ về tiểu đội xe không kính” của Phạm Tiến Duật… làm say đắm lòng người. Song Bài thơ “Đồng chí” của Chính Hữu vẫn có chỗ đứng danh dự trong trái tim độc giả bao thế hệ bởi những nét đặc sắc riêng về người lính nông dân trong kháng chiến chống Pháp với tình đồng chí, đồng đội gắn bó keo sơn làm nên bài ca chiến thắng.
Bước vào trang thơ Chính Hữu, người lính trước hết là những chàng trai có cùng nguồn gốc xuất thân, chung lí tưởng chiến đấu và bên nhau chia sẻ những khó khăn chiến trường. Họ vốn là những anh trai làng mộc mạc, chân chất, gần gũi, thân thương đến kì lạ:
“Quê hương anh nước mặn đồng chua,
Làng tôi nghèo đất cày lên sỏi đá.
Anh với tôi đôi người xa lạ,
Tự phương trời chẳng hẹn quen nhau”
Các anh vốn là những người nông dân chân lấm, tay bùn từ mọi miền Tổ Quốc, như các làng chài vùng biển “nước mặn đồng chua” hay các bản làng trung du, miền núi “đất cày lên sỏi đá”. Vì cùng lý tưởng, cùng chí hướng lên đường cầm súng giết giặc, bảo vệ quê hương “Súng bên súng đầu sát bên đầu” mà các anh từ “xa lạ” trở thành “quen nhau” rồi như một lẽ tự nhiên họ gắn bó với nhau để cùng vượt qua những thách thức chiến trường. Hình ảnh “đêm rét chung chăn” thật cảm động, thật ấm áp. Cái lạnh chốn rừng hoang, sương muối dường như là động lực thắp lên ngọn lửa trái tim, để các anh “thành đôi tri kỉ”. Mạch cảm xúc chợt lắng đọng, gói trọn trong câu thơ chỉ vẻn vẹn hai tiếng: “Đồng chí”. Hai tiếng thiêng liêng ấy đặt trang trọng giữa bài thơ như tách thi phẩm làm đôi, mạch cảm xúc ngưng lại, lắng đọng, đằm sâu. Đó phải chăng là tiếng gọi đồng đội thiêng liêng giữa chốn đại ngàn, là sự đúc kết một logic của trái tim, là cái bản lề khép lại cơ sở của nguồn cội để mở ra tình đồng chí, đồng đội trong kháng chiến.
Tiếp nối mạch cảm xúc, người đọc được tưới tắm tâm hồn bởi tình đồng chí, đồng đội gắn bó keo sơn, thiêng liêng, cao cả của người lính. Tại chiến trường khốc liệt, những anh trai làng cùng cảnh ngộ ấy đã thể hiện một sự thấu cảm đáng kinh ngạc. Họ hiểu đồng đội như hiểu chính mình.
“Ruộng nương anh gửi bạn thân cày
Gian nhà không mặc kệ gió lung lay
Giếng nước, gốc đa nhớ người ra lính”
Đối với người nông dân, nhà cửa, ruộng vườn, làng bản là chốn thiêng liêng, nơi chôn rau, cắt rốn tình sâu, nghĩa nặng; nơi tổ tiên bao đời gắn bó; nơi vợ con xây mái ấm gia đình; nơi con đò bến nước hữu tình cũng là chốn sản nghiệp cả đời họ vun vén. Vì vậy họ gắn bó, không muốn dời xa là lẽ tự nhiên. Tuy nhiên khi họ “mặc kệ” tất cả hẳn là phải có một tiếng gọi thiêng liêng, cao cả hơn. Các chữ “gủi”, “mặc kệ” đã đặc tả thái độ dứt khoát lên đường của các anh làm ta nhớ đến bóng dáng chàng trai Hà Thành ra đi cứu nước thuở nào:
“Sáng chớm lạnh trong lòng Hà Nội
Những phố dài xao xác heo may
Người ra đi đầu không ngoảnh lại
Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy”
(“Đất nước”- Nguyễn Đình Thi)
Thái độ “mặc kệ” ấy ta cũng thấy thấp thoáng bóng dáng người ra đi trong thơ Thâm Tâm:
“Người đi? Ừ nhỉ, người đi thực!
Mẹ thà coi như chiếc lá bay,
Chị thà coi như là hạt bụi,
Em thà coi như hơi rượu say”
(“Tống biệt hành” – Thâm Tâm)
Như vậy, có thể nói rằng trong “anh” lý tưởng cứu nước đã cao hơn hạnh phúc riêng tư, sản nghiệp, quê hương. Chẳng phải đây là cái động lực của trái tim nồng nàn thiết tha yêu Tổ Quốc đó sao. Cái đặc biệt là cả bài thơ cặp đại từ “anh” ,“tôi” luôn song hành, nhưng ở đoạn thể hiện tâm sự này lại chỉ có mình “anh” xuất hiện. Đặc biệt hơn nữa là tâm sự thầm kín trong sâu thẳm trái tim “anh” nhưng “tôi” mới là người bộc lộ. Không hiểu bạn như hiểu mình, không thấu cảm, tri giao liệu có bộc lộ sâu sắc được như vậy không? Cái thiêng liêng, cao cả của tình đồng chí là ở đó.
Không chỉ dừng lại ở sự đồng cảm, thấu hiểu, tình đồng chí của người chiến sỹ còn tỏa sáng qua sự sẻ chia, gắn bó vượt lên những thử thách bệnh tật và những khó khăn về vật chất chốn rừng thiêng, nước độc:
“Anh với tôi biết từng cơn ớn lạnh
Sốt run người vầng chán ướt mồ hôi”
Chân dung người lính được bộc lộ chân thực đến trần trụi nhưng lại khiến các anh tỏa sáng như vẻ đẹp của những viên ngọc thô. Đó là cái hiện thực kinh hoàng của những trận sốt rét rừng. Cái cảm giác “ớn lạnh”, cái “run người” và “vầng trán ướt mồ hôi” đang hành hạ thân thể các anh. Hình ảnh thơ sinh động, truyền cảm gợi những hình hài vật vã của người lính trong thời khắc vật lộn cơn sốt rét ác tính với cái lạnh thấu tận xương tủy, hằn in những khuôn mặt nhợt nhạt, những làn môi tê tái không thể khép lại bởi hai hàm răng run rẩy đang khua động vào nhau. Đó quả là một nỗi ám ảnh kinh hoàng đối với bất kỳ ai đã từng trải qua chiến trường thưở ấy. Câu thơ khiến ta nhớ đến hình ảnh đoàn binh Tây Tiến:
“Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc
Quân xanh màu lá dữ oai hùm”
(“Tây Tiến” – Quang Dũng)
Tuy nhiên, thử thách với các anh đâu phải chỉ có bệnh tật mà còn sự thiếu thốn vật chất đến cùng cực. Chính Hữu đã dùng bút pháp hiện thực và bằng trải nghiệm của một nhà thơ mặc áo lính, ông đã đem đến cho người đọc một hình ảnh anh bộ đội vô tiền khoáng hậu:
“Áo anh rách vai
Quần tôi có vài mảnh vá
Miệng cười bút giá
Chân không giày”
Dường như người nông dân chân lấm tay bùn, áo rách, quần vá với đôi chân trần đã tiến thẳng ra chiến trường; hành trang của các anh chỉ là khẩu súng và trái tim yêu nước sâu đậm. Đó là một hình tượng bi hùng, một khúc tráng ca của quân đội ta thời kì đầu đánh Pháp. Tuy nhiên, trong gian khổ, thiếu thốn, người lính vẫn cười, nụ cười dù “bút giá” nhưng vẫn ánh lên sự hồn hậu, tinh thần thép của những con người bất khuất. Khúc tráng ca về người lính trong thiếu thốn, gian khổ của Chính Hữu đã gặp gỡ Quang Dũng ở đặc điểm này:
“Rải rác biên cương mồ viễn xứ
Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh
Áo bào thay chiếu anh về đất
Sông Mã gầm lên khúc độc hành”
(“Tây Tiến”- Quang Dũng)
Trong khó khăn, thử thách khốc liệt ta lại thấy sức mạnh của người lính vút lên, vượt qua tất cả. Cơ sở của sức mạnh ấy có phần từ tinh thần “thương nhau”, đoàn kết “tay nắm lấy bàn tay”. Trong hoạn nạn, các anh luôn kề vai, sát cánh, đồng cam, cộng khổ, luôn nắm chặt tay nhau tạo nên sức mạnh vượt qua tất cả. Trong cuộc sống cũng như trong văn chương, mỗi khi cái nắm tay nhau xuất hiện bao giờ cũng là lúc họ trao nhau tình cảm, dù có lúc nghẹn ngào không nói nên lời:
“Áo chàm đưa buổi phân li
Cầm tay nhau biết nói gì hôm nay”
(“Việt Bắc”- Tố Hữu)
Hay khi bắt tay vội vã, chớp nhoáng nơi chiến trường bom đạn:
“Những chiếc xe từ trong bom rơi
Đã về đây họp thành tiểu đội
Gặp bạn bè suốt dọc đường đi tới
Bắt tay qua cửa kính vỡ rồi”
(Bài thơ về tiểu đội xe không kính” -Phạm Tiến Duật)
Hai chữ “Thương nhau” là hệ quả tất yếu của tình đồng chí, đồng đội cũng là động lực tiếp sức để các anh luôn vững chãi như thành đồng Tổ quốc.
Kết thúc bài thơ, Chính Hữu đã thể hiện vẻ đẹp ngời sáng của người chiến sỹ trong ý chí cầm súng và niềm lạc quan tin tưởng ở tương lai.
“Đêm nay rừng hoang, sương muối
Đứng cạnh bên nhau chờ giặc tới
Đầu súng trăng treo”
Màn đêm chốn “rừng hoang sương muối” là bức tranh hiện thực vô cùng khắc nghiệt. Trên cao điểm chờ giặc, giá lạnh mù sương, hình tượng người lính vẫn sừng sững tạc vào không gian và tạc vào lịch sử với tư thế hiên ngang, kiêu dũng, tinh thần “chờ giặc tới” chủ động, quyết chiến, quyết thắng; mũi súng của các anh hướng lên bầu trời đón lấy ánh trăng tạo nên một hình tượng rất lãng mạn khép lại bản hùng ca về người lính và tình đồng chí, đồng đội: “Đầu súng trăng treo”. “Súng” tượng trưng cho nhiệm vụ chiến đấu, “trăng” lại là biểu tượng của hòa bình. Trăng treo đầu súng là ẩn dụ về một tương lai tươi sáng, hòa bình đang đến rất gần cũng ánh lên niềm tin, niềm lạc quan của người chiến sĩ, dù phía trước vẫn bộn bề trông gai. Có lẽ không kẻ thù nào khuất phục được con người Việt Nam (nói chung) và anh bộ đội cụ Hồ bách chiến bách thắng (nói riêng) trên dải đất hình chữ S hiên ngang đứng cạnh biển Đông cũng bởi tinh thần thép, tinh thần lạc quan cách mạng ấy.
Bài thơ khép lại cũng là lúc tượng đài của người lính chống Pháp được Chính Hữu xây xong bằng thứ ngôn ngữ mộc mạc, giản dị, hình ảnh sóng đôi cùng nghệ thuật so sánh, ẩn dụ giàu sức gợi hình, hàm súc, cô đọng. Bức tượng đài tạc vào lịch sử và đi vào tim ta như một bệ phóng thắp lên ngọn lửa trái tim, giúp ta thêm yêu Tổ quốc, có thêm bản lĩnh, ý chí để đạp bằng mọi thử thách của cuộc đời, xứng đáng với những gì ông cha ta đã chiến đấu, hi sinh cho lá cờ hòa bình và đừng quên, chúng ta nợ Chính Hữu một lời cảm ơn chân thành, sâu sắc!
Thiệu Hoá, ngày 03 tháng 6 năm 2020
Thầy Trịnh Đình Đại

Bình luận

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *