GIA SƯ NHẬT MINH KÍNH CHÀO QUÝ PHỤ HUYNH, CÁC EM HỌC SINH THÂN MẾN!
Đọc “Lão Hạc” của Nam Cao, nhìn thấy “Tình thế lựa chọn” của Lão Hạc mà ta phải “cúi đầu”.(ai có liên quan , xin hãy đọc một lần)
Tình thế truyện là một sự kiện đặc biệt của đời sống được nhà văn sáng tạo trong tác phẩm. Tại sự kiện này, nhân vật phải lựa chọn, hành động và đưa ra quyết định cuối cùng. Đây là một trong những điểm then chốt của việc tạo ra một tác phẩm (truyện ngắn) thành công. Trong “Lão Hạc”, nhà văn Nam Cao không phải hai lần mà đến tận ba lần đặt lão Hạc vào tình thế lựa chọn quyết liệt để đi đến quyết định cuối cùng . Lần nào cũng khiến người đọc đau xót bởi sự lựa chọn ấy. Để rồi, khi soi lại chính mình mà thấy xấu hổ trước một nhân cách cao thượng sáng ngời.
Tình thế thứ nhất: Khi đứa con muốn lão bán vườn cưới vợ. Lão thương con lắm. Lão nghĩ cái vườn là của vợ lão khó khăn lắm mới tích góp mua được. Trước sau cũng là của con. Vậy cho trước cho sau cũng đều giống nhau, sao lão không cho bán khi con cần? À! Mảnh vườn không chỉ là tài sản, là tiền mà còn là nguồn sống bền vững lâu dài . “Một mảnh đất cắm dùi” nhỏ bé nhưng là tấm lòng của người cha , người mẹ muốn tạo sinh kế lâu dài cho con. Kể cả khi đến bước đường cùng còn có nơi trú ngụ, còn có chỗ nương thân, có thể “bươi đất nhặt cỏ” ở đó mà tồn tại. Vì thế lão chỉ bảo “bán vườn rồi sẽ ra sao?”. Quyết định không bán vườn của lão khiến lão đau đớn dằn vặt bắt đầu từ đấy cho đến hết cuộc đời. Khi con lão quẫn chí bỏ đi, lão biết rõ nguyên nhân lắm chứ. Trong sâu thẳm tấm lòng của lão cũng nghi ngờ quyết định của mình. Nhưng sự đã rồi. Lão cố tự an ủi mình bằng cách tích góp tiền bòn vườn cho con (vì đó là của nó mà). Nhưng sự đời lại không như vậy!
Cuộc sống con tạo xoay vần, số tiền lão tích góp không thêm lên mà cứ hụt đi. Chung quanh lão có còn gì đáng giá? Vẫn là mảnh vườn và con chó vàng. Không nói đến chuyện mảnh vườn vì dù sao lão cũng chẳng bán. Còn con chó? Nó không chỉ là tài sản vật chất mà còn mang giá trị tinh thần vô giá. Đó là kỷ vật mà con trai lão mua, định bụng nuôi đến khi nào cưới vợ thì giết thịt. (À! Lại liên quan tí chút đến cưới vợ của con). Nhưng quan trọng hơn, trong những ngày xa con, con chó đã trở thành người bạn, thành “Cậu vàng”, thành đứa cháu để lão dấu dí tâm sự, chuyện trò cho khuây khỏa. Chẳng có chuyện gì ngoài chuyện “Nó mà cưới vợ thì nó giết thịt cậu” … nhưng đó là tất cả niềm động viên, niềm hy vọng, và cũng là nguồn sống của lão. Ấy vậy mà nhà văn lại đặt lão vào tình thế thứ hai: Phải lựa chọn giữa việc bán hay không bán “cậu Vàng”. Tình thế ấy khiến lão Hạc đau khổ, dày vò, tâm trạng nặng trĩu. Lão định bụng mãi, lão xắng mãi, nhưng lão không làm được: Lão đối diện với lương tâm mình khi biến “người bạn, người con cầu tự, người cháu” trở lại thành tài sản tầm thường. Nhưng không bán thì lão phải ăn vào tiền để dành. Mà lúc này lão biết, số tiền ấy không thể góp vào vốn cho con. Bởi lão phải dùng cho cái chết của lão. Người cha ấy tự thấy đã thất hứa với con rồi, không thể thất hứa thêm được nữa. Lão quyết định bán chó! Bán chó để lấy tiền làm ma cho mình. Và quan trọng lão đã “Liệu đâu vào đấy” kết cục tiếp theo của lão! Người đọc nhận ra tình thương con, yêu con sâu sắc, âm thầm cùng với lòng nhân hậu của Lão Hạc được bộc lộ sâu sắc nhất.
Tình thế cuối cùng , cũng là tình thế tất yếu xảy ra và hình như đã được chuẩn bị kể từ khi lão quyết định bán chó. Đó là khi lão Hạc phải trực tiếp lựa chọn giữa sự sống và cái chết. Có ai dễ dàng khi trời chưa bắt tội phải đi mà phải tự kết thúc sự sống của mình? Lão Hạc đứng trước hai lựa chọn: Muốn sống, lão có thể sống, thậm chí sống lâu là đằng khác vì lão còn mảnh vườn ( Ờ thì, mảnh vườn dứt khoát không bán). Ba chục bạc cũng là khoản tiền không nhỏ. Nhưng như vậy, lúc chết lại phải phiền xóm làng. Không ai để cho lão chết thối ra đấy. Tuy nhiên, lão thấy xung quanh đều khó khăn cả. Lão không thể trút cái tội nợ của lão cho những người xung quanh. Lão quyết đinh chọn cái chết dữ dội. Để trả nợ con chó, để kết thúc cuộc đời. Chính tình thế này đã đặt dấu lặng cảm xúc, tạo ra giá trị hiện thực sâu sắc cho tác phẩm.
Các tình thế truyện như một “khoảng khắc đậm đặc của đời sống” để ta nhận ra những vẻ đẹp đáng trọng: vẻ đẹp toát ra từ một nhân cách giàu lòng tự trọng, lương thiện, trong sạch và tình yêu thương con sâu nặng… Chính tình thế ấy giúp tác giả thể hiện được số phận đau khổ, vẻ đẹp tâm hồn của người nông dân Việt Nam trong xã hội cũ.
Một người nông dân lẩm cẩm, một chữ cắn đôi không biết. Một người chưa bao giờ đi ra khỏi lũy tre làng để học lấy “một sàng khôn”. Ấy vậy mà, trong những tình thế của cuộc đời mình quyết định nào của lão cũng khiến người ta “giật thót”. Giật thót vì sự so sánh mình với lão. Những con người bụng đầy chữ nghĩa, đi khắp đó đây học vô số những “sàng khôn”có bao giờ lặng lại một khoảng khắc để hiểu cha mẹ mình? Có bao giờ nhìn mình đã đối xử với những người xung quanh ra sao? Có bao giờ… có bao giờ…? Phải chăng giá trị sâu sắc của “tình thế truyện” trong tác phẩm “Lão Hạc” nói riêng, của cả truyện ngắn nói chung chính là ở sự day dứt và thức tỉnh trong lòng người đọc./.