HUỲNH THỊ TUYẾT MAI (Tổ Sử – Địa – Giáo dục công dân)
Hiện nay, ở các trường THPT chuyên thường chỉ có lớp chuyên về tự nhiên như Toán – Lý – Hoá – Sinh – Tin học, về xã hội như Anh văn – Văn, không có lớp chuyên môn Sử – Địa và mục tiêu của học sinh là luyện thi đại học khối A, B, D, rất hiếm có học sinh thi khối C. Thậm chí năm học vừa qua, trường THPT chuyên Nguyễn Quang Diêu cũng không có học sinh thi đại học khối C.
Vì vậy, học sinh thường dành hết thời gian và nỗ lực cho các môn thi đại học, cũng là một trong những môn thi bắt buộc của Tốt nghiệp THPT. Các em không còn nhiều thời gian để dành cho các môn như Sử – Địa, nhất là khi những môn này không phải là môn thi bắt buộc. Chúng ta thường nói vui đó là những môn “chờ xổ số” trong giờ chót. Tâm lí của một số học sinh là chỉ học để đối phó. Tuy nhiên, nếu học theo kiểu đối phó, chờ khi nào công bố môn thi mới học thì các em sẽ khó nắm vững bài học và sẽ không có khả năng vận dụng tốt kiến thức để làm bài thi.
Vậy làm thế nào để vừa đạt được ước mơ đại học, vừa Tốt nghiệp THPT loại Khá – Giỏi? Từ kinh nghiệm của một giáo viên nhiều năm dạy các lớp chuyên, tôi có một số ý kiến hy vọng có thể phần nào giúp các em học sinh đạt kết quả tốt nhất.
Giảng đường đại học là mục tiêu hàng đầu của chúng ta. Tuy nhiên, Tốt nghiệp THPT đạt loại Khá – Giỏi, không bị khống chế xếp loại bởi các môn như Sử – Địa là điều mà học sinh chúng ta có thể đạt được nếu các em biết sắp xếp thời gian hợp lý cho các môn học, có kế hoạch học tập khoa học. Với khả năng tư duy logic, nhạy bén, khả năng vận dụng tốt, các em hoàn toàn có thể “chinh phục” môn Địa lý một cách dễ dàng. Bởi vì trong xu thế đổi mới kiểm tra đánh giá hiện nay, đề thi Tốt nghiệp THPT môn Địa lí thường chú ý nhiều đến mức độ vận dụng và rèn luyện kỹ năng.
Để có một kết quả tốt, trong quá trình học tập môn Địa lí lớp 12, học sinh cần chú ý các vấn đề sau:
1. Trong quá trình học tập ở trên lớp, phải cố gắng nghe giảng, vì có hiểu rõ vấn đề thì mới có khả năng vận dụng tốt (giờ nào việc ấy, tuyệt đối không học giờ này đem tập môn khác ra học, vì cùng một lúc học hai môn sẽ không thể hoàn thành tốt được môn nào cả).
2. Cố gắng nắm vững kiến thức cơ bản ngay tại lớp, khi về nhà chỉ cần xem qua có thể nhớ sâu bài học.
3. Những bài học có nội dung dài hoặc có mối liên hệ với nhau thì nên tóm tắt bằng sơ đồ (sẽ giúp ta nắm bài nhanh và ôn tập dễ dàng). Khi bài mới có những ý liên quan đến kiến thức đã học nên cố gắng liên hệ lại bài cũ để khắc sâu kiến thức, tránh nhầm lẫn các đơn vị kiến thức.
4. Khi tìm hiểu các điều kiện phát triển của các ngành kinh tế như công nghiệp, nông nghiệp (trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản),… bao giờ cũng phải lưu ý điều kiện tự nhiên và điều kiện kinh tế xã hội:
* Điều kiện tự nhiên:
– Địa hình, đất, nước, khí hậu (đối với nông nghiệp)
– Vị trí địa lý, tài nguyên thiên nhiên (khoáng sản, đất – nước – sinh vật có ảnh hưởng đến việc cung cấp nguyên liệu…)
* Điều kiện kinh tế xã hội:
– Nguồn lao động (số lượng và chất lượng)
– Thị trường tiêu thụ
– Cơ sở vật chất kỹ thuật (cơ sở chế biến,…)
– Đường lối chính sách…
– Nguồn vốn, khả năng đầu tư.
* Cũng cần nêu qua các hạn chế, khó khăn về điều kiện tự nhiên và điều kiện kinh tế xã hội đối với việc phát triển ngành kinh tế đó.
5. Khi học về địa lý các vùng kinh tế, cần lưu ý một số vấn đề:
– Xác định được vị trí địa lý (tiếp giáp vùng nào, nước nào, có giáp biển không,…) qua đó đánh giá về ý nghĩa của vị trí đó trong phát triển kinh tế vùng.
– Nắm được việc phát huy các thế mạnh kinh tế từng vùng, những hạn chế cần khắc phục.
6. Tận dụng tối đa kỹ năng sử dụng Atlat (vì đây là phương tiện học tập rất hữu ích – hơn nữa Atlat là cuốn SGK mà học sinh được mang vào phòng thi). Cần xác định một số nguyên tắc chung khi sử dụng Atlat:
+ Khi tìm hiểu tình hình sản xuất (tình hình phát triển) của một ngành, ta chủ yếu khai thác các biểu đồ tương ứng trong Atlat.
Thí dụ: Để trình bày tình hình sản xuất lúa ở nước ta qua các năm từ 2000-2007 thì dựa vào biểu đồ diện tích và sản lượng lúa (trang 19)
+ Khi tìm hiểu về đặc điểm phân bố thì xác định dựa trên bản đồ, để thấy sự phân bố theo vùng và theo các tỉnh.
Thí dụ: Để nêu đặc điểm phân bố lúa ở nước ta thì dựa vào Bản đồ lúa (trang 19) sẽ thấy lúa được trồng nhiều ở vùng nào, tỉnh nào.
(Lưu ý: Đối với câu hỏi yêu cầu nêu sự phân bố chung cả nước thì xác định theo vùng, khi hỏi về khu vực thì nêu phân bố theo tỉnh).
7. Tập vẽ thật thành thạo các dạng biểu đồ: tròn, cột, đường, miền và kết hợp (đề thi bao giờ cũng có câu vẽ biểu đồ)
8. Rèn luyện kỹ năng nhận xét bảng số liệu: có thể nhận xét khái quát trước rồi đi vào chi tiết sau, chú ý các mốc cao nhất – thấp nhất, sự thay đổi đột ngột và nhận xét phải đi đôi với số liệu chứng minh.
9. Nắm thật chắc các công thức tính toán:
+ Mật độ dân số (người/km2) = Dân số/diện tích
+ Tỷ suất gia tăng dân số tự nhiên (%) = Tỷ suất sinh – Tỷ suất tử
+ Biên độ nhiệt = Nhiệt độ tháng cao nhất – Nhiệt độ tháng thấp nhất
+ Cân bằng ẩm = Lượng mưa – Lượng nướcbốc hơi
+ Độ che phủ rừng = (Diện tích rừng x 100)/Diện tích tự nhiên
+ Bình quân lương thực/người (kg/người) = Sản lượng/dân số
+ Năng suất lúa (tạ, tấn/ha) = Sản lượng/Diện tích
+ Cán cân xuất nhập khẩu = Giá trị xuất khẩu – Giá trị nhập khẩu
Trên đây chỉ là một số gợi ý chung nhất, trong quá trình học tập, học sinh sẽ được giáo viên hướng dẫn cụ thể và chi tiết hơn để có thể vận dụng một cách hiệu quả vào việc học tập môn Địa lí.