Cha mẹ thương con không đồng đều đối với chúng ta không còn lạ. Nhiều người đã trưởng thành hiện nay là “nạn nhân” trực tiếp của việc này. Cũng có nhiều người hiện đang làm điều đó với những đứa con của mình mà chính họ cũng không nhận ra. Thương con không đồng đều, điều mà nhiều cha mẹ coi là dĩ nhiên đó đang ngày ngày làm tổn thương tâm hồn những đứa trẻ.
Tại sao cha mẹ lại thương con không đồng đều?
Khi được hỏi về việc thương con nào nhất, những ông bố bà mẹ thường nói rằng mình chia đều tình yêu cho các con. Tuy nhiên, trong cách ứng xử thường ngày, họ lại không cho con mình thấy được điều đó. Trên thực tế, phần lớn chúng ta có xu hướng thương một đứa con nào đó nhiều hơn.
Có nhiều lý do để cha mẹ thương con không đồng đều hay bố mẹ đối xử không công bằng. Chúng ta cũng thường tìm ra nhiều lý do để biện hộ cho việc một đứa con nào đó được yêu thương và thiên vị hơn. Đó có thể là đứa con đầu lòng, cũng có thể là đứa con bé bỏng ra đời muộn. Cũng có nhiều cha mẹ lại dành tình yêu hơn cho những đứa học giỏi hơn, thậm chí tin tưởng đứa trẻ đó hơn so với những đứa con còn lại.
Có thể thấy, có vô vàn lý do để chúng ta dồn tình yêu vào một đứa trẻ nhiều hơn những đứa khác. Phải khẳng định rằng, đó chỉ là tâm lý bình thường của cha mẹ. Nếu như sự chênh lệch về tình cảm mà chúng ta dành cho những đứa trẻ không quá lớn, tình cảm gia đình vẫn có thể phát triển bình thường. Nhưng nếu cha mẹ để cho đứa trẻ cảm nhận được điều đó, đó là câu chuyện khác.
Đâu là dấu hiệu của cha mẹ thương con không đồng đều?
Cha mẹ thiên vị con cái – tại sao chúng ta lại không biết rằng bản thân đang thiên vị một đứa con hơn so với những đứa còn lại? Câu trả lời thực ra đơn giản. Những hành động để đứa trẻ cảm nhận cha mẹ không thương yêu chúng không phải điều gì to tát, mà trái lại, chỉ là những câu nói, những hành động thường ngày của các ông bố, bà mẹ.
Đôi khi, chỉ một câu nói “sao con không học anh/chị”, “con hơn em nhiều, phải nhường em chứ – (thiên vị con út)”, “con nhìn anh/chị/em kìa” cũng khiến đứa trẻ cảm thấy mình làm điều gì cũng không vừa mắt ba mẹ. Thực sự, không phải đứa trẻ nào cũng có thể tài giỏi, xuất sắc giống nhau, mỗi đứa trẻ đều có tính cách, năng lực của riêng mình. Chúng không bao giờ muốn lấy người khác làm tiêu chuẩn cho mình, đặc biệt là những người cùng lứa tuổi. Tất cả những câu so sánh chỉ cho chúng cảm giác cha mẹ đang thiên vị anh, chị, em của mình.
Những hành động nhỏ khiến cho những đứa trẻ cảm thấy mình không được yêu thương có thể là: cho chúng phần bánh nhỏ hơn, không để phần đồ ăn khi chúng vắng nhà, ít khoe về chúng hơn những đứa khác,…
Cha mẹ thương con không đồng đều làm tổn thương tâm hồn đứa trẻ
Những đứa trẻ thường rất nhạy cảm, thậm chí làm quá mọi việc. Chúng rất khao khát được yêu thương và hay có tâm lý so bì với anh chị hay em của mình. Chỉ một hành động rất nhỏ của cha mẹ, chúng có thể cảm nhận được cha mẹ đang thương mình “ít” hơn những đứa khác. Đứa trẻ trong trường hợp đó sẽ cảm thấy cô đơn, lạc lõng. Chúng uất ức và cảm thấy không công bằng. Thời gian dài, những suy nghĩ này tích tụ dần, tâm lý của chúng sẽ thay đổi theo chiều hướng tiêu cực, đôi khi có thể dẫn tới trầm cảm hay vặn vẹo tâm lý.
Cha mẹ thương con không đồng đều làm rạn nứt tình thân
Khi một đứa trẻ sống trong tâm lý bất an vì không được yêu thương trong một thời gian dài, chúng sẽ có xu hướng sống khép mình và không cần điều ấy nữa. Trong một gia đình đang đầm ấm, bỗng một đứa trẻ tách mình ra, lý do phần lớn là do nó cảm thấy mình không được yêu. Và lâu dần, tình cảm gia đình giữa đứa trẻ ấy và những thành viên khác sẽ dần phai nhạt, thậm chí khó có thể cứu vãn nổi nếu cha mẹ không phát hiện sớm.
Trong trường hợp xấu hơn ,đứa trẻ có thể thù ghét tất cả và nảy sinh tâm lý phá hoại. Nó cảm thấy bất công, và không muốn nhìn anh, chị, em của nó được vui vẻ bên cha mẹ mà mình chỉ có một mình. Thậm chí, có những đứa trẻ con mong anh chị em mình gặp chuyện không may hay “tôi ghét mẹ thiên vị”. Trong thực tế, cũng có nhiều đứa trẻ tự tay làm điều đó.
Cha mẹ thương con không đồng đều không tốt với đứa nào cả
Khi cha mẹ không công bằng – cha mẹ vẫn thường vì một đứa con nào đó “hợp mắt” hơn mà vô thức cho chúng nhiều tình yêu và sự bảo bọc hơn những đứa còn lại. Bạn nghĩ rằng điều đó rất có lợi cho đứa được yêu thương hơn ư? Vì chúng không bị trầm cảm, không thấy cô đơn? Vì chúng có sự đầu tư tốt nhất trong gia đình? Không phải vậy!
Nếu một đứa trẻ được yêu thương quá mức, vượt qua những đứa khác trong nhà và chúng cảm thấy điều đó, chúng sẽ nảy sinh cảm giác về sự “ưu việt” của mình. Một bộ phận trong những đứa trẻ được thiên vị có thể hình thành suy nghĩ rằng chúng được yêu thương hơn là điều dĩ nhiên, chúng phải đứng vị trí thứ nhất trong xã hội này. Chính sự thiên vị con thái quá của cha mẹ trong trường hợp này đã khiến đứa con mà mình yêu thương trở thành người ích kỉ, ảo tưởng về bản thân. Đồng thời, sự bảo bọc quá mức cũng có thể chúng bị hụt hẫng và khó tự lập khi bước vào cuộc sống đầy khắc nghiệt sau này.
Ngược lại, đối với những đứa trẻ cảm thấy mình không được yêu thương, các bé có thể sẽ phải sống trong tâm lý luôn phải tự khẳng định mình để dành được chú ý. Đây là điều tốt nếu các bé không bị ảnh hưởng bởi tâm lý thù hận hay suy nghĩ bị bỏ rơi. Nhưng đáng tiếc, phần lớn trong số các em lại rơi và trạng thái tâm lý này. Vì vậy, xu hướng tự khẳng định mình của chúng thường rơi vào con đường tiêu cực.
Có thể thấy, những hành vi nhỏ mà cha mẹ không ngờ tới, lại trở thành vết thương khó có thể chữa nổi đối với tâm hồn non trẻ của con mình. Tin rằng, những hành động đó đều không phải là cố ý, các vị phụ huynh cần nhớ, những đứa trẻ thường vô cùng nhạy cảm, chúng cũng thường có những lý giải sai về hành động của chúng ta. Vì vậy, trong quá trình nuôi dạy con trẻ, cần có sự công bằng trong gia đình. Cha mẹ hãy cho con cảm giác an toàn, được yêu thương đồng đều. Đó chính là sự đầu tư tốt nhất mà bố mẹ có thể cho con mình, nếu muốn chúng được phát triển toàn diện và tích cực.