Trung tâm gia sư Nhật Minh – 0968 974 858
Sau Tết Nguyên Đán, người Việt có phong tục đi lễ đền, chùa ở khắp nơi trong cả nước gọi là đi du xuân, cầu tài, lộc.
Họ thường đến lễ ở những ngôi đền, chùa cổ kính có danh tiếng lâu đời được cho là chốn linh thiêng.
Một số đông người Hà Nội chủ yếu là những người làm nghề kinh doanh, buôn bán lại nô nức đi lễ đền Bà Chúa Kho ở Bắc Ninh.
Ngoài yếu tố tâm linh, thành kính đối với một ngôi đền cổ đã được nhà nước công nhận là một di tích lịch sử, họ còn tin rằng Bà Chúa Kho là vị thần linh, rất linh thiêng luôn phù trợ cho họ trong công việc kinh doanh, buôn bán.
Cho nên vào dịp đầu năm họ đi lễ đền để xin Bà lộc rơi, lộc vãi, vay vốn Bà để làm ăn cả năm và đến những ngày cuối năm họ lại đến lễ đền để tạ ơn Bà và trả món nợ đã được Bà cho vay.
Sự tích đền Bà Chúa Kho từ lâu đời đã được lưu truyền như sau
Tương truyền vào thời nhà Lý, ở làng Quả Cảm thuộc Bắc Ninh có một người con gái nhan sắc tuyệt trần.
Tuy xuất thân từ một gia đình nông dân nhưng cô lại đa trí, đa tài; Cầm, Kỳ, Thi, Họa cái gì cũng giỏi.
Danh tiếng của cô bay đến triều đình, nhà vua đã cho cô vào cung và lấy làm vợ.
Ở trong cung một thời gian Bà nhận thấy quê hương của Bà còn hoang sơ, đất đai sâu, rộng mà không ai khai phá, canh tác.
Bà xin vua cho bà về làng chiêu dân, lập ấp, khai khẩn đất hoang tăng gia, sản xuất. Chẳng bao lâu quê Bà đã trở nên một vùng đất trù phú, ruộng đồng xanh tươi.
Ngày 12 tháng Giêng năm Đinh Tỵ (1077) quân Tống sang xâm lược nước ta.
Lý Thường Kiệt đã lập phòng tuyến phía Nam sông Như Nguyệt (sông Cầu bây giờ) để chống giặc.
Lúc bấy giờ ở làng Cổ Mễ thuộc xã Vũ Ninh đã lấy núi Kho là nơi đặt kho quân lương của nhà Lý.
Bà được giao nhiệm vụ tổ chức sản xuất, tích trữ lương thực, trông nom kho tàng quốc gia phục vụ cho trận chiến Như Nguyệt.
Bà đã anh dũng hy sinh trong trận chiến này, góp công lớn trong chiến thắng đánh đuổi quân xâm lược nhà Tống ra khỏi bờ cõi nước ta.
Nhà vua thương tiếc đã phong Bà là Phúc thần, nhân dân đã lập đền thờ Bà ngay tại kho lương cũ của triều đình ở núi Kho, thôn Cổ Mễ xã Vũ Ninh, tỉnh Bắc Ninh (nay thuộc thành phố Bắc Ninh).Các triều đại phong kiến đều sắc phong đền là “Chủ Khố Linh Từ “.
Dân gian quen gọi là Đền Bà Chúa Kho.
***
Ngoài đền Bà Chúa Kho ở Bắc Ninh, tại Hà Nội nằm trong ngõ 612 đường Đê La Thành, phường Giảng Võ, quận Ba Đình cũng có một ngôi đền thờ Bà Chúa Kho.
Bà Chúa Kho ở đây tên thật là Lý Thị Châu, tục gọi là Châu Nương, là một viên quan nhà Trần(1225-1400) trong lịch sử Việt Nam.
Khi mất, bà được xem là một bậc thần nhân.
Lý Thị Châu sinh ngày 12 tháng 2 âm lịch tại phường Võ Trại trong kinh thành Thăng Long(nay là phường Giảng Võ, quận Ba Đình, Hà Nội).Cha bà là Lý Quýnh, quê ở làng Cổ Pháp (nay thuộc phường Đình Bảng, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh), làm chức Điện hộ binh lương đời nhà Trần, chuyên giữ gìn kho lương cho quân lính. Khi đến đóng quân trong kinh thành, ông cưới vợ ở phường Võ Trại, rồi bà ra đời sau đó.
Thuở nhỏ, Lý Thị Châu theo học ở phường Bích Câu.Theo sử liệu thì bà là người vừa có tài văn võ lại vừa có nhan sắc.
Năm bà 18 tuổi, cha bà mất. Đến năm 22 tuổi, bà nhận lời về làm vợ một viên Thái bảo họ Trần (không rõ tên), làm chức Đốc bộ ở Châu Hoan (nay là Nghệ An & Hà Tĩnh).
Tháng 2 năm 1285, một đạo quân Nguyên do tướng Toa Đô chỉ huy từ nước Chiêm Thành tràn vào cướp phá Châu Hoan. Thái bảo Trần đem quân chống ngăn không được, đành phải rút quân về giữ Diễn Châu (thuộc xứ Nghệ An) và củng cố lại lực lượng.
Trước tình thế khó khăn này, Lý Thị Châu tự nguyện đứng ra chỉ huy quân sĩ bảo vệ kho lương, lo việc hậu cần cho binh si, để chồng yên tâm ra trận mạc.
Cuối tháng 5 năm 1285, quân đội nhà Trần đánh đuổi được quân Nguyên ra khỏi cõi bờ, hai vợ chồng bà được triệu về kinh. Thái bảo Trần nhận chức Tiền quân duệ thành có nhiệm vụ cai quản đạo quân bảo vệ kinh đô, còn bà thì được cử coi sóc kho phủ Phụng Thiên.
Cuối tháng 12 năm 1287, sau khi chỉnh đốn lực lượng, quân Nguyên lại chia làm 3 cánh tiến đánh Đại Việt.
Nhận thấy thế và lực của đối phương quá mạnh, vua quan nhà Trần quyết định rời khỏi Thăng Long để bảo toàn lực lượng. Ngay sau đó, Thái bảo Trần được lệnh phải cố chặn quân Nguyên ở phía sông Hồng, và ông đã tử trận sau nhiều ngày cầm cự để vua quan cùng quân sĩ rút lui được an toàn.
Nghe tin chồng đã mất, kinh thành sắp thất thủ, Lý Thị Châu cố nén đau thương để làm nhiệm vụ của mình. Ngay lập tức, bà sai quân chuyển kho, cất giấu của cải và lương thực.
Khi mọi chuyện đã thu xếp xong, bà lấy khăn hồng thắt cổ tự vẫn.
Cuối tháng 4 năm 1288, bị phản công, quân Nguyên tháo chạy về nước.
Khi xét thưởng, Lý Thị Châu được truy tặng là Quản trưởng quốc khố công chúa, và cho lập đền thờ bà ở Giảng Võ (Hà Nội) và các làng ở Diễn Châu (có cả thảy 22 nơi lập miếu thờ), tức nơi bà cùng chồng đóng quân khi xưa.
***
Tính xác thực của những truyền thuyết lịch sử đến đâu còn là vấn đề mà các nhà sử học Việt Nam còn phải nghiên cứu.
Nhưng Bà Chúa Kho ở Bắc Ninh, ở Giảng Võ cùng với Bà Trưng, bà Triệu, Thái hậu Ỷ Lan … luôn là những anh hùng liệt nữ xứng đáng được tôn thờ trong tâm thức người Việt chúng ta.