Màu sắc áo cũng đã thành lệ : đàn ông thường dùng áo màu xanh, khi có việc trọng đại thì dùng màu đen, màu thẫm.
Người làm ruộng thì dùng màu nâu.
Bông vải là hàng chính.
Chỉ người sang trọng mới dùng hàng tơ lụa.
Quần thì chỉ có hai màu trắng và nâu.
Họa hoằn những người giàu có hay già cả mới dùng quần màu đỏ.
Căn cứ theo minh họa trong sách Vạn quốc nhân vật chi đồ của Nhật Bản soạn năm 1645 thì vẽ người đàn bà đội nón rộng, để tóc dài, mặc váy ở dưới, phía trên mặc thứ áo trông như áo giao lĩnh buông thõng hai vạt.
Đàn ông thì búi tóc, mặc một loại rộng, cài bên phải.
Thời Trịnh Nguyễn phân tranh thế kỷ 18, chúa Nguyễn Võ Vương ở Đàng Trong có sắc quy định y phục trong Nam, nhất là lối ăn mặc của phụ nữ, bỏ váy mà mặc quần, còn áo thì cài khuy, bỏ lối thắt vạt.
Đàng Ngoài thuộc chúa Trịnh thì vẫn giữ áo tứ thân buộc vạt.
Có nhiều nhà nghiên cứu cho rằng là “Áo tứ thân” có thể đã ra đời từ thế kỷ 12.
Áo tứ thân hình dạng tương đồng với áo Bối Tử thời Tống.
Đàn bà từ Hoành Sơn vào Nam cũng mặc áo dài nhưng khác áo đàn ông chút ít với thân áo may dài hơn; gấu áo dài quá bắp chân.
Phía dưới mặc quần. Đàn bà từ Hà Tĩnh trở ra vẫn mặc áo tứ thân, một loại áo giao lĩnh xẻ trước ngực và mặc váy.
Lễ phục thì còn vẫn dùng áo giao lĩnh buộc chéo, nhưng khoác ra bên ngoài cùng khi hành lễ, gọi là áo thụng hay bổ phục.
Áo trực lĩnh (xẻ trước ngực) với tay áo thật rộng thì là lễ phục khoác ra ngoài của nữ giới quyền quý trong chốn cung đình, gọi là áo mệnh phụ.
Ngoài ra áo viên lĩnh không có cổ đứng gọi là áo bào, dùng làm lễ phục của các quan đại thần, vương tôn.
Đến thế kỷ 19 thường phục người Việt đại để mặc một loại áo ngắn, cài giữa ngực.
Miền Bắc gọi là áo cánh, miền Nam dùng loại áo tương tự nhưng dài hơn và xẻ ở hai bên hông, gọi là áo bà ba.
Áo cánh thì không xẻ ở bên hông.
Phía dưới thì đàn ông mặc quần lá tọa.
Quần này may sâu đũng để có thể kéo cạp quần lên cao hay xuống thấp để cho ống quần dài hay ngắn tùy ý; cạp quần buông loà xòa, buộc bằng thắt lưng ở bụng.
Đàn bà miền Bắc mặc váy, buộc thắt lưng và ruột tượng; miền Nam mặc quần.
Đàn bà ở nhà có khi chỉ mặc yếm.
Ra ngoài thêm áo cánh, áo tứ thân, hay áo dài.
Về mắu sắc thì người dân quê làm ruộng, quần áo hay nhuộm màu nâu hay đen, chỉ những khi nhàn nhã mới mặc màu trắng hay màu tươi như yếm màu hồng, màu đào.
Phần 4 : Tân Thời ( Việt Nam Cộng Hòa )
Phụ nữ và xu hướng thời trang của Việt Nam Cộng Hoà đi trước thời đại, tin hay không thì tuỳ mọi người nhé, có thể nói thời trang miền Nam Việt Nam thập niên 50 – 70, nhiều người sẽ không tin nổi.
Nhất là lớp trẻ ngày nay khi nhìn lại những bức ảnh quý hiếm của người Sài Gòn xưa vào những năm 50/60/70 của thế kỷ trước, ngay cả những người Pháp, hẳn cũng ngỡ ngàng khi nhận thấy thời trang của miền Nam Việt Nam bắt nhịp theo phương Tây chỉ trong một khoảng thời gian ngắn.
“The New Look” sau khi được nhà thiết kế Christian Dior đưa trở lại từ cuối thập niên 40, đến thập niên 50 ở một đất nước thuộc địa, xứ Cochinchina cũng xuất hiện những quý cô thanh lịch trong chiếc chân váy, đầm xòe duyên dáng và sành điệu.
Cho đến thập niên “Swinging sixties”, các thiếu nữ Sài Gòn xưa cũng nhanh chóng “nổi loạn” theo kịp thời đại, có thể thật Chic trong chiếc đầm chữ A ngắn, nhưng cũng đậm chất Hippy khi thiếu nữ mặc áo dài đeo kính Wayfarer phóng vun vút trên con Vélo Solex.
Những đổi thay của thời cuộc.
Việt Nam sau khi chấm dứt triều đại quân chủ, kiểu áo Nhật Bình nằm trong quy chế thường phục của hoàng hậu cung tần, nay được dùng như một loại quốc phục trang trọng, chính là kiểu áo mệnh phụ khoác bên ngoài áo dài mà chúng ta biết đến ngày nay, cùng với chiếc mấn sau những năm 1930 đã được “công nghiệp hóa” từ khăn vành dây, thay vì xếp lớp tỉ mỉ từng vòng giờ chỉ cần búi tóc đội nghiêng như một chiếc mũ, miện.
Từ những năm đầu thế kỷ XX, làng dệt lụa Tân Châu là trung tâm sản xuất và buôn bán tơ tằm nổi tiếng trên cả Nam Kỳ, Nam Vang (Campuchia), Xiêm (Thái Lan) ……
Tiếp sau ngành công nghiệp dệt, ngành may công nghiệp hình thành vào những năm cuối của thập niên 50.
Giai đoạn này hầu như chỉ phục vụ nhu cầu nội địa, mãi đến sau 1970 mới thúc đẩy các xí nghiệp may xuất khẩu.
Tuy nhiên, đây lại chính là giai đoạn bước vào thời kỳ lụi tàn của ngành thủ công nghiệp.
Các làng nghề trồng dâu nuôi tằm, ươm tơ dệt lụa mà Tân Châu – xứ lụa phong lưu hưng thịnh bậc nhất Nam Kỳ, đã một thời dệt nên những thước lụa đen sang trọng rất được phụ nữ miền Tây ưa chuộng dần dần bị quên lãng.
Trong khi ở miền Bắc, phụ nữ Việt gìn giữ truyền thống với áo yếm, tóc vấn đuôi gà, áo tứ thân mớ ba mớ bảy và cự tuyệt ngoại lai.
Phụ nữ Nam Kỳ đã trút bỏ áo lót xiêm yếm, thay vào đó là nội y kiểu phương Tây.
Những mẫu áo ngực nhọn đầu tiên trên thế giới được mặc bởi ngôi sao Hollywood Marilyn Monroe – biểu tượng thời trang gợi cảm của thế kỷ XX vào khoảng thập niên 40, đến những năm 60 thì hoàn toàn phổ biến ở miền Nam Việt Nam.
Phụ nữ thời kỳ này đủ “táo bạo” và bản lĩnh trước thời đại để diện “mốt xuyên thấu”, mặc nội y tân thời với áo dài lụa mỏng, tự tin tôn lên hình ảnh nóng bỏng và phong cách thời thượng của mình.
Trang phục của phụ nữ miền Nam từ giữa thập niên 50 là một sự bùng nổ dữ dội, không hề kém cạnh so với các mốt thời trang đang khoấy đảo trên đường phố Châu Âu.
Những năm tháng đầy biến loạn đó, trên đường phố Sài Gòn là những quý cô kiêu kỳ trong bộ áo dài cách tân, tóc uốn phi-dê, mái tạo kiểu mái phồng, mắt kẻ viền mí, mang kính John Lennon, cưỡi chiếc xe Solex hay đèo nhau trên chiếc Vespa đầy cá tính và mạnh mẽ.
Đàn ông trong thời kỳ này thường mặc veston, quần tây, áo sơ mi, đeo cravat hoặc chỉ đóng thùng đơn giản, lịch sự.
Các loại áo thun cotton, áo thun Polo, áo thun 3 lỗ cũng được du nhập vào, mang đến cho đàn ông Việt những loại trang phục thể thao, khỏe khoắn và thoải mái hơn.
Nhịp sống của phụ nữ miền Nam những năm 1960 trở nên vô cùng sôi động với sự phát triển của thời trang.
Ngoài các loại váy, đầm, jacket, áo thun cotton, áo dệt kim, quần capri, quần bermuda …. bán sẵn trực tiếp từ phương Tây nhập về, các nhà may tại Sài Gòn rất nhanh chóng cập nhật cataloge nước ngoài, tạo mẫu và quảng cáo sôi nổi những mốt thời trang thịnh hành nhất Tây Âu.
Sau năm 1968, những chiếc váy mini bắt đầu đến với Việt Nam và ngay lập tức được các quý cô “bạo dạn” của Sài Gòn tung tăng diện ra phố.
Phụ nữ miền Nam tự tin xuống phố với đủ các kiểu jupe xếp ly, mini jupe, đầm suông chữ A, chân váy phồng xoè và cả các biến kiểu của váy flapper ở thập niên 30.
Thời trang bắt đầu “đua đòi”, váy từ ngắn trên gối, đến càng ngắn hơn càng hợp mốt.
Đầu những năm 70 đã có sự xuất hiện “gây sốc” của những cô nàng bikini, với đủ kiểu một mảnh cut-out hay Triangle 2 mảnh đầy nóng bỏng trên bãi biển.
Những mẫu áo ngực nhọn đầu tiên trên thế giới được mặc bởi Marilyn Monroe vào khoảng thập niên 40, đến những năm 60 thì hoàn toàn phổ biến ở miền Nam Việt Nam.
Áo dài được cách tân hơn cả và làn sóng thời trang áo dài thực sự bắt đầu vào những năm của thập niên 60.
Ngày 6 tháng 12 năm 1958, “áo dài Bà Nhu” xuất hiện lần đầu tiên tại buổi khai mạc triển lãm Nữ Công tại cô nhi viện Nữ Vương Hòa Bình ở Sài Gòn.
Trong chiếc áo dài không cổ, tay lở, Madame Nhu tóc bới cao, mang găng tay trắng,….đã gây ra nhiều tranh cãi.
Các bà các cô trong Hội Phụ Nữ Liên Đới bắt đầu chạy theo “mốt”.
Thiếu nữ Sài Gòn bắt đầu cập nhật xu hướng.
Lần lượt các kiểu áo dài cổ thuyền, cổ vuông, cổ tròn, cổ tim và cả kiểu “cổ cót” kín đáo đều được bà Nhu “lăng xê”.
Thời trang của phụ nữ miền Nam Việt Nam những năm 50 – 70 vẫn xem áo dài là chuẩn mực tuy nhiên cởi mở và phóng khoáng hơn.
Việc sử dụng quần áo lót phương Tây đã phổ biến với phụ nữ thành thị.
Những chiếc áo đôn nhọn đỉnh ngực là “thời thượng” nhất.
Áo dài khi đó đặc biệt có eo áo được chít chặt để nhấn mạnh đường cong thắt đáy lưng ong đầy gợi cảm.
Áo dài tay Raglan xuất hiện khoảng vào thập niên 60, do nhà may Dung ở phường Đakao, Sài Gòn áp dụng từ kiểu ráp tay của đầm phương Tây vào.
Có thể nói, áo dài tay Raglan là một trong những chi tiết “tân thời” thành công và có sức ảnh hưởng nhất đối với áo dài Việt Nam hiện đại.
Những chiếc quần áo dài cũng có nhiều biến tấu, may bằng 2 lớp mỏng hoặc ứng dụng kiểu cắt vải xéo mềm mại hơn, yểu điệu hơn.
Kiểu áo dài “3 thân” cũng được ra đời trong giai đoạn này bởi một nhà may ở Sài Gòn (70s), thân trước chia thành 2 vạt áo, cài cúc từ cổ xuống thân và kết hợp với quần tây thời trang Âu Mỹ lúc bấy giờ.
Áo dài mini với tà hẹp, ngắn ngang đầu gối, may ôm nhẹ vào cơ thể, xuất hiện trong khoảng thập niên 60 – 70, rất thịnh hành đối với nữ sinh Sài Gòn vì sự thoải mái, trẻ trung và năng động.
Đến cuối thập niên 60, áo dài không được tạo kiểu về kết cấu nữa mà đa dạng theo hướng chất liệu và trang trí.
Nhà may Thanh Khánh ở Đakao đã đưa ra những mẫu áo dài được thêu hoa lá, kết cườm hạt và vẽ trang trí.
3 nhà may nổi tiếng tại Sài Gòn của những năm tháng này mà quý cô thành thị nào cũng biết, có thể kể đến gồm :
nhà may Thanh Khánh Đakao (hiện nay ở Paris), nhà may Dung Đakao (đã di cư sang Mỹ) và nhà may Thiết Lập Pasteau (sang Mỹ sau những năm 75).
Có thể nói, áo dài tay Raglan là một trong những chi tiết “tân thời” thành công và có sức ảnh hưởng nhất đối với áo dài Việt Nam hiện đại.
Lịch sử hình thành Nam Kỳ qua vài thế kỷ, đã xây dựng nên tư tưởng sống năng động, linh hoạt và tự do phóng khoáng của người dân nơi đây.
Những năm tháng của nửa cuối thế kỷ XX, thời trang Việt Nam đã phát triển chóng mặt và đa dạng.
Người Việt tiếp nhận nhanh và ngay lập tức pha trộn.
Một thành phố phương Nam non trẻ với tinh thần cởi mở, dễ dàng đón nhận những luồng gió mới từ Tây Âu du nhập vào, sau đó dung hòa để tạo nên tính đặc thù trên mọi lĩnh vực đời sống xã hội, phong tục tập quán, văn hóa truyền thống, kiến trúc, kinh tế ..…
Sau những “chênh vênh” trong nhiều thăng trầm của thập niên 50 – 70, thời trang đã có sự định hình cơ bản đối với miền Nam Việt Nam.
Tuy nhiên đã bị khựng lại sau năm 75.