Trung tâm gia sư Nhật Minh – 0968 974 858
Ảnh: Phục chế xe của hoàng đế nhà Lê Trung Hưng
Năm 1045 đời Lý Thái Tông, chế ra xe Thái bình, dát vàng vào bồng la ngà, đóng cho voi kéo. La ngà là cái mui bành đóng lên lưng voi.
Năm 1122 đời Lý Nhân Tông, mới chế ra dải bạc để dẫn xa giá của vua.
Hai năm sau, chế ra thứ lọng che mưa cán cong.
Nghi vệ xe loan đời Lý chỉ được sử cũ và Phan Huy Chú chép như thế, không biết được cái bồng la ngà và dải bạc, chỉ có lọng cán cong được sử dụng cho quyền quý sau này.
Đến đời Lê Thái Tông, năm 1437, Lương Đăng đệ trình yêu cầu về xa giá.
Xe kiệu đại giá của vua có: xe đại lộ, xe voi, xe ngựa, kiệu cửu long, kiệu thất long, xe bộ (người kéo), xe bay.
Đồ hành nghi đi theo thì có: qua đồng, phủ việt (búa nhỏ, búa lớn), cờ phướn, cờ lá, cờ tiết mao (cờ hiệu lệnh, cán cờ trên có đầu rồng cong xuống; treo những tua kết lông trắng; thả chùng), quạt vả, lọng ngũ phương và đội ngũ cưỡi ngựa.
Vua y theo.
Lê Trung Hưng phức tạp hơn về nghi thức xa giá. Khi nghi thức đại giá sắp ra, cửa lầu đánh chuông đánh trống, 4 người vút roi dẹp đường.
Các cấm quân ở nội điện:
hiệu Thị Kiệu Ty, Thị Cận Ty, Thị Nội Ty, Hiệu Lực Ty, Tả Hữu Long Giá Ty, Kim Ngô Vệ, Cẩm Y Vệ, Tiên Tả Đội, Tiên Hữu Đội đội mũ gai đỏ (theo Đào Duy Anh), áo vải thanh cát, một tay rộng một tay hẹp, viền đỏ nẹp trắng, tổng cộng 560 người sắp bày nghi trượng.
Đội đi đầu thì cờ nhất nguyệt, cờ ngũ phương, cờ thập nhị thần, cờ long vân.
Rồi đến 40 cây gậy mạ vàng, 40 kiếm mạ bạc, 20 con ngựa.
Tiếp đến là 20 trấn điện tướng cầm dùi đồng đội mũ gai đỏ, mặc áo gấm xanh, bổ tử thêu voi, dưới có bí tất che đầu gối.
Đến 18 cái tàn vàng, những búa lớn búa nhỏ bằng đồng và sắt.
Tiếp đến đồng văn nhã nhạc, 1 trống cái, 1 tù và, 10 trống con, đàn sáo.
Đến 12 quạt cán ngà vẽ rồng, 12 kiếm nạm vàng.
Mới đến kiệu rồng, sau đó là đội cầm gậy vàng, đội cầm cờ và đội cưỡi ngựa.
Các vũ khí như súng, giáo, đao, gươm đi hộ giá trước và sau thì dùng những đội quân :
Nội Khuông, Nội Dực, Nội Nhuệ, Nội Tiệp, Thị Hãn, Thị Tượng từ Binh Phiên chọn lựa.
Nguồn:
Lịch triều Hiến chương Loại chí, tập 1, Phan Huy Chú, Viện sử học lược dịch và chú giải, NXB GD, 2007