TÔI ĐI THI ĐẠI HỌC CHỈ 15000 ĐỒNG VÀ 200 QUẢ MÍT XANH MUA CHỊU
( Nếu bạn kiên nhẫn đọc hết câu chuyện này của tôi thì bạn đã thành công về sự kiện trì rồi đấy)
Đã hơn 20 năm tôi tốt nghiệp PTTH và tham gia thi đại học. Nhưng những hình ảnh ngày tôi đi thi đại học vẫn còn in đậm trong tâm trí tôi. Nhớ lại thời điểm này cách đây hơn 20 năm tôi nhận ra chỉ có nghị lực phi thường tôi mới có thể vượt qua được tất cả để có ngày hôm nay. Hôm nay tôi xin kể lại câu chuyện của tôi để các em học sinh có thêm động lực để vượt qua tất cả.
Hơn 20 năm trước, khi tất cả học sinh lớp 12 cũng nô nức làm hồ sơ thi đại học.Tôi cũng sơ tuyển vào ngành an ninh nhưng do tôi còi nên cân nặng và chiều cao đều thiếu.Vì nhà tôi rất nghèo, mẹ ốm suốt nhiều năm nên tôi muốn thi các ngành như an ninh, quân sự để bố mẹ không phải nuôi nếu tôi đỗ. Còn tôi muốn kinh doanh để kiếm tiền thay đổi cuộc đời. Vì phi thương bất phú, chỉ có kinh doanh mới có tiền để thoát nghèo được. Còn ước mơ làm thầy giáo của tôi hãy cứ để đó khi nào có điều kiện tôi sẽ làm hoặc xem như ước mơ giang dở. Tuy nhiên khi không sơ tuyển được tôi đã thông báo với cả lớp không thi đại học nữa. Được cô chủ nhiệm động viên, thầy Hiệu trưởng động viên và được cô em kết nghĩa mua hồ sơ tặng tôi nên tôi đã đi thi.
Cuối cùng tôi đã quyết định thi đại học nhưng lại thi Nông nghiệp và Y hai ngành khối B, nhưng trước đó tôi định thi khối A. Một phần vì học y để giúp mẹ tôi đau ốm thường xuyên.
Nhưng thú thực tôi cũng chẳng biết kiếm đâu ra tiền để đi thi đại học.Vì làng tôi cũng nghèo vô cùng nên cũng chẳng biết vay ai. Sau khi đạt học sinh tiên tiến phần thưởng là 20.000 đồng.Tôi dự thi tốt nghiệp cách nhà 12 km nhưng ở lại hai ngày tôi chỉ ăn hai cái bánh mỳ và nước hết 5000 đồng. Còn 15000 đồng để đi thi đại học. Một số tiền không đủ đi từ quê Cẩm Thủy nhà tôi xuống thành phố Thanh Hóa.Thực tình thì lúc đó tôi cũng chẳng biết thành phố Thanh Hóa như thế nào vì chưa một lần được xuống. Chỉ được nhìn vài lần trên ti vi. Hồi đó cả làng cũng chỉ có 2 cái ti vi trăng đen vì chưa có điện. Chỉ biết thành phố cách nhà tôi khoảng gần 80km. Qua nhiều ngày suy nghĩ không biết kiếm đâu ra tiền để đi thi thì một hôm buổi trưa đang đá bóng với các bạn cùng xóm. Khi đó chúng tôi thường đá bóng bằng nhựa vào buổi trưa nắng ở vườn nhà hàng xóm.Tôi nhìn thấy một quả mít chín rụng xuống rất ngon nhưng chẳng có ai ăn.Tôi đã nghĩ sao mình không mang mít đi bán lấy tiền. Nhưng thật sự mít rất rẻ, quê tôi chủ yếu đi xin để ăn nếu nhà nào không có chứ rất hiếm mua. Có chăng chỉ có người qua đường mua thôi. Mua thì chỉ lãi được rất ít thế nên chỉ còn có mấy ngày tôi có bán cũng chẳng được mấy. Sau khi suy nghĩ vài ngày tôi đã làm một việc mà đến giờ tôi vẫn còn nghĩ đó là việc làm liều lĩnh nhất của tôi.Tôi đã quyết định mua chịu 200 quả mít xanh của 3 nhà hàng xóm.Với giá 2000 đồng 1 quả và họ cho tôi thêm 10 quả nữa. Tôi đã nhờ các bạn chặt những quả to nhất, ngon nhất.Nhưng để đưa được 210 quả mít ra đường quốc lộ để đón xe đi là vô cùng khó khăn.Tôi đã phải chở bằng xe trâu một buổi chiều. Những quả mít nặng cả chục kg mà tôi chỉ nặng 42 kg nên vô cùng vất vả khi vận chuyển. Khi biết tôi mua nhiều mít vậy bố mẹ tôi đã khóc vì tôi chưa hề biết thành phố ở đâu mà dám mua nhiều mít như vậy lại còn đi thi nữa thì làm sao đi được. Xuống thành phố lơ ngơ thì làm sao có thể bán được. Rồi xuống đó làm sao có thể vận chuyển được số mít nhiều như vậy.Tôi thật sự cũng rất lo lắng nhưng lúc đó trong lòng sự quyết tâm quá cao nên tôi đã động viện bố mẹ là xuống đó tôi sẽ nhờ người giúp đỡ. Có nhiều người dân quê tôi khi thấy tôi mua nhiều mít như vậy họ đã bảo tôi bỏ học đi buôn mít chứ thi cử gì mà mang nhiều mít như vậy. Đi thi người ta kiêng ăn mít, vì mít đặc thì thi sao được. Vậy mà tôi lại đi mang hon 200 quả mít đi thi. Năm ấy cả làng tôi chỉ mình tôi tốt nghiệp cấp 3, còn cậu bạn thân của tôi học chính quy nên tốt nghiệp sau tôi một năm. Vì tôi học bổ túc hai năm ba lớp nên nhanh hơn. Cũng rất lâu rồi làng toi rất hiếm người học hết cấp 3 nên có được người học hết cấp 3 như tôi là hiếm lắm rồi.
Nhà tôi cách đường quốc lộ hơn 100 mét nên tôi phải để mít ở ven đường cho tiện khi đón xe. Hồi đó quê tôi chỉ có duy nhất 1 chiếc xe về thành phố vào lúc 2h sáng. Tối hôm đó tôi ngủ ở ven đường nhờ vỉa hè nhà máy sát của một người hàng xóm.Nói là ngủ chứ thực tế tôi chỉ ngồi trong đó một lúc cho đỡ sương chứ tôi đâu dám ngủ. Tôi không thể nào ngủ được vì lo lắng xe chạy qua khi tôi ngủ quên. Tôi cứ thấp thỏm mãi nên dậy ngồi bên đống mít từ lúc khoảng 12 giờ.Vì quê tôi vô cùng hoang vắng nên đêm khuya tôi rất sợ tôi lại là người rất nhát.Trong đêm tĩnh lặng như vậy tôi sợ mà người cứ run lên. Gần chỗ tôi đứng lại có cái miếu thờ và bụi luồng nên cảm giác càng sợ hơn. Nhưng vì tôi đã quyết tâm nên lúc đó tôi cứ tưởng tượng ra cảnh được vào đại học với những giảng đường và phòng thí nghiệm mà tôi yêu thích nên cũng bớt sợ hơn.
Chờ xe tôi cứ thấp thỏm đi lại liên tục và lo lắng vô cùng. Vì là lần đầu tiên đón xe đi nên rất run, bố tôi bảo để ra với tôi nhưng tôi bảo con không sao đâu bố không phải ra đâu.
Tôi chờ mãi rồi từ xa ánh đèn xe khách cũng chiếu sáng, rồi tiếng còi bóp inh ỏi, tôi vui mừng chảy ra đường vẩy xe.Trong người niềm vui không thể nào tả được vì đây là lần đầu tiền tôi được đi xe khách, lại còn được xuống thành phố.Vui vì chờ mãi rồi xe cũng đến.
Khi dừng xe lại anh lơ xe nhảy xuống hỏi tôi mấy người?
Dạ mình em anh ạ.
Lên xe đi.
Anh ơi em còn đống mít nữa ạ.
Anh ấy nói là : Thằng này bằng củ khoai mà mang lắm mít đi đâu thế? Người thì ít mít thì nhiều xe tao chở người thôi không chở mít.
Rồi anh ta cho xe chạy để lại tôi đứng như chờ chồng.
Tôi sụp luôn xuống đường vì quá sốc. Bao nhiêu hy vọng, bao nhiều niềm vui đã tan thành mây khói. Tôi suy nghĩ đến tương lai của mình như vậy là hết rồi không còn cơ hội để dự thi nữa.Tôi lo cả đống mít như vậy không mang đi được thì tôi lấy đâu ra tiền trả cho họ. Tôi đã khóc nấc lên vì thất vọng và lo lắng. Cuộc đời tôi đã trải qua quá nhiều đau khổ và vất vả khi mẹ ốm nhiều năm, chị gái thì qua đời khi tôi đang tham dự học sinh giỏi.Từ năm 12 tuổi tôi đã phải tự lập và giúp bố chạy chữa cho mẹ rồi nuôi các em.Vậy mà đến lúc tưởng như có cơ hội để đi học đổi đời lại thất bại ngay từ bước khởi đầu. Tôi cứ ngồi xuống đường như vậy mãi mới đứng lên được. Tôi đành nằm bên cạnh đống mít đến gần sáng tôi đi về nhà. Về nhà chưa ai dậy tôi lại ngồi ở xó hè ngủ mà không sao ngủ được, Khi trời sáng tôi gọi cửa và nói với bố tôi là tôi ngủ quên nên xe chạy mất rồi.
Bố tôi động viên và bảo để mai bố ra chờ xe với.
Nhưng tôi bảo còn mẹ và các em ở nhà nên bố không phải ra.
Tôi nằm lên giường mà suy nghĩ rất nhiều. Đến 10 giờ thì những người ở xã khác đi chợ về tôi ra bán được 8 quả tổng cộng được 38000 đồng.Vậy là tôi có tổng cộng 53000 đồng. Lúc đó tôi nghĩ biết đâu không đón được xe lại hay vì bán được 8 quả có thêm tiền trả tiền xe.
Chiều hôm đó tôi đi khắp làng xin mỗi nhà vài cái bì để đóng mít vào. Nhiều nhà cứ trêu tôi đi thi mà mít thì làm sao mà đỗ được. Tôi chỉ cười và bảo nếu không đỗ thì cùng thành người buôn mít thành công.
Tối hôm đó rất nhiều bạn bè cùng làng ra chơi với tôi, khoảng 11h thì các bạn ấy về hết. Một mình tôi ở lại với đống mít tôi bắt đầu lo, run sợ và suy nghĩ rất nhiều. Tôi vào nằm tí rồi lại đi ra, cứ đi đi lại lại, hết đứng lên lại ngồi xuống. Trong đầu tôi suy nghĩ nếu hôm nay không đi được nữa chắc sẽ hết cơ hội đi thi rồi. Mà không đi được thì làm sao bán đống mít lấy đâu ra tiền trả nợ cho người ta.
Khi nghe tiếng gà gáy tôi đoán bắt đầu qua 12h chỉ còn khoảng hai tiếng nữa xe sẽ đến. Tôi cần phải nghĩ ra cách gì để được đi đây. Càng nghĩ tôi càng run, tim đập rất mạnh và lo lắng vô cùng. Đến lúc trong đầu tôi lóe lên một ý nghĩa chỉ có cách chặn xe họ dừng lại mới có thể được đi. Nhưng tôi vẫn lo lỡ may anh phụ xe đánh cho thì sao?
Lúc ấy chỉ nghĩ được có vậy, miễn làm sao được đi. Nhất là bét vì cũng chẳng có cách nào hay nữa nên đành quyết định chặn xe vậy.
Khoảng 1 giờ tôi kéo hết đống mít ra giữa đường để chắn xe lại. Nếu không cho đi tôi sẽ không kéo mít vào.Tôi cũng hồi hộp chờ mãi, cứ hát nghêu ngao hết bài này đến bài khác. Rồi tưởng tượng ra cảnh được học những ngôi trường rộng mênh mộng. Được tham gia những chương trình xã hội, đoàn thể.Tôi tưởng tượng ra cảnh cả làng mừng vì tôi đỗ đại học, cảnh tôi thành đạt trở về quê hương. Cứ tưởng tượng vậy làm tinh thần của tôi phấn chấn.
Chờ mãi xe cũng xuất hiện, từ xa tôi đã nhìn thấy anh lơ xe thò đầu đứng ở cửa xe. Tôi đứng lên đống mít giang tay ra để vẫy xe chiếc xe càng ngày càng gần tôi hơn làm tôi hoa cả mắt vì ánh đèn.
Khi xe dừng lại câu đầu tiên của anh lơ xe là lại là mày à?
Thằng này láo lại còn chặn xe tao, tao đã bảo không chở còn gì. Tôi nói to với anh ấy là anh ơi đây là tất cả tương lai của em. Là hy vọng của đời em, vì nhà em nghèo nên em không có tiền để đi thi đại học em mới phải mang mít đi bán để lấy tiền. Em xin anh giúp em, em vô cùng mang ơn anh. Em biết là khó cho anh nhưng anh giúp em một lần cả đời em không bao giờ quên anh.
Lúc này trên xe hành khách nghe được nên nói với tài xế và lơ xe là cho nó đi đi. Tôi thấy khách nói vậy tôi liền chạy lại: Các bác ơi cho cháu đi cùng với, nhà cháu rất nghèo vì không có tiền cháu phải mua chịu mít mang đi thi. Các bác giúp cháu với để cháu được đi thi đại học ạ.
Từ trên xe mọi người xuống xe cùng nhau khênh các bì mít của tôi lên xe. Lúc này có lẽ do tôi xin và do nhiều hành khách cùng đồng ý và giúp tôi nên nhà xe đành chấp nhận.
Lúc đó tôi thấy trong người có một sức mạnh ghê gớm. Tôi lao vào khênh mít mà không thấy nặng. Sau khi khênh được đống mít lên xe cả người tôi ướt hết vì mồ hôi. Nhưng trong lòng thì vui vô cùng, tôi lên xe cám ơn tất cả mọi người.
Ai cũng bảo sao lại có người dám làm những việc mà người lớn cũng không dám làm. Hiếu học như vậy thì mỗi người nên giúp cháu. Mọi người thay nhau quạt cho tôi, rồi cho tôi uống nước. Những hy vọng lại thắp lên mạnh mẽ, ước mơ của tôi dường như đang được thực hiện.
Vì tôi chưa biết thành phố ở đâu nên cứ thấp thỏm sao mãi chưa đến thành phố. Khi trời sáng cũng là lúc xe đến bến xe. Tôi thấy nhiều người chạy theo xe khách và chào mời. Tôi cũng mừng vì có nhiều người muốn giúp thế này chắc chắn tôi sẽ không sợ không đưa đống mít xuống được. Sau này tôi mới biết đó là những người xe ôm, xe ba gác chạy theo để chào khách. Sau khi mít được đưa xuống đất đã có rất nhiều người lại hỏi mua. Tôi đoán ở quê tôi mua 2000 đồng một quả bán được 10 000 đồng đã lãi 5 lần rồi. Nên bán như vậy, nhiều người tranh nhau mua. Tôi bị các chú bảo vệ bến đuổi đi không cho bán, tôi lại trình bày:
Các chú ơi cháu đi thi đại học mà nhà chàu nghèo không có tiền nên cháu phải mua chịu mít đi thi. Các chú cho cháu bán một lúc rồi các chú giúp cháu gọi cho cháu cái xe để cháu chở mít đi ạ.
Cũng may khi đi trên xe có người thông thạo thành phố nên cũng mách cho tôi được ít thông tin. Nên khi đó tôi cũng có những định hướng cho mình.
Tôi thấy họ cứ chạy lại mua rồi lại mang đi gửi, lại quay lại mua tiếp. Tôi phát hiện ra là mình bán quá rẻ nên tăng lên 14000 đồng, rồi lên 20 000 đồng. Cuồi cùng có quả tôi bán được 28 000 đồng.Tôi không thể nghĩ đi buôn lại lãi đến 14 lần. Chỉ trong 1 tiếng mà tôi đã bán được 36 quả. Cả một số tiền lớn mà tôi chưa bao giờ được cầm.
Đi thi tôi chỉ có mỗi 1 cái bút, 1 quyển vở, 1 bộ quần áo được bỏ trong túi đựng bột thức ăn gia xúc Con cò. Khi hết người mua tôi thuê xe chở đến cổng chợ gần trường tôi thi để bán. Tôi mang biếu bác bảo vệ một quả mít to, bảo ấy hỏi tôi mày là con nhà ai sao biếu bác bít?
Dạ cháu trên miền núi xuống bác không biết cháu đâu?
Sao mày lại biếu bác mít?
Dạ bác cho cháu ngồi bán mít ở cổng chợ với ạ.
Nhưng bác không đồng ý bảo không được.
Vậy bác cho cháu bán tít ở ngoài kia cháu không chặn đường đi đâu ạ.
Tôi biếu bác 1 quả mít ngon nên bác ấy đã đồng ý.
Tôi lấy một tấm bì catong ghi thật to dòng chữ: Mít người rừng ngon chưa từng có. Rồi lấy que ghim dắt treo vào trong áo sau lưng để tấm biển cao hơn đầu. Nhiều người đi qua vừa tò mò vừa thấy tôi bán giá rẻ hơn mà mít lại ngon nên mua rất đông.
Trời nắng tháng 6 của miền trung như đổ lửa vậy mà tôi cứ đi đi lại lại cho mọi người nhìn thấy cái biển của tôi. Mồ hôi nhễ nhại ướt hết áo tôi nhưng tôi vẫn đi lại như vậy. Gần như rất ít khi tôi vào trong mát ngồi, muốn bán thật nhanh để còn đi thi. Do mít tôi ngon và rẻ thấy tôi thật thà hiền lành đúng miền núi mới xuống nên nhiều người mua. Họ về còn mách cho người quen ra mua của tôi nên bán rất nhanh. Chỉ trong 5 ngày tôi đã bán gần hết số mít. Ngày thứ 6 tôi vào tập trung để chuẩn bị làm thủ tục thi. Chiều hôm đó tôi bán còn 5 quả nên đã mang biếu mấy bác gần chợ.
Tối hôm đó tôi lên cơn sốt, ra rất nhiều mồ hôi. Nguyên nhân là mấy ngày nắng nóng mà tôi phải đứng bán mít nên mất nước, bị cảm nên sốt. Tôi lo lắng vì sợ ngày mai không thể thi được. Tôi nhờ người đi mua thuốc và nước chanh để uống. Sáng mai dậy mặc dù còn rất đau đầu nhưng vẫn phải đi thi. Khi thi được nữa thời gian lại lên cơn sốt miệng khô và khát nước. Tôi xin cô giám thị một cốc nước , uống xong vấn thấy khát và đắng miệng. Uống xong tôi làm bài được một lúc lại thấy đầu tôi nóng như cục than.
Tôi gọi nói với cô giám thị tôi bị sốt cao. Được giám thị cho uống thuốc hạ sốt, tôi tiếp tục làm bài thi. Được khoảng một lúc thì tôi thấy đất cứ quay quay, đầu tôi đau vô cùng. Tôi cố gắng bám hai tay vào cạnh bàn để không ngã, sau đó tôi mệt quá nằm gục xuống bàn.
Đến khi tỉnh dậy tôi thấy mình đang nằm ở phòng y tế nhà trường. Tay tôi đang truyền dịch, tôi mở mắt ra thấy cô y tá đang ngồi ở bàn.
Tôi hỏi cô ơi mấy giờ rồi ạ?
Bây giờ là 1h rồi cháu.
Cô tháo dây truyền ra cho cháu đi ạ.
Đang còn dịch mà để truyền hết đi cháu.
Không cô ơi tháo ra cho cháu đi thi ạ.
Ơ cháu mới ngất đưa vào cấp cứu làm sao mà thi được.
Cô ơi cháu xin cô, giúp cháu cho cháu đi thi đi ạ.
Cháu không thể không đi thi được.
Cô y tá lại tháo dịch truyền cho tôi và cô mua giúp tôi một bát cháo. Tôi ăn xong cám ơn cô và tiếp tục đi thi buổi chiều.
Sáng hôm sau tôi thấy đỡ hơn và tiếp tục tham gia buổi thi cuối cùng.
Tôi về nhà ốm thêm gần nữa tháng nữa, ngày nào tôi cũng sốt cao. Bố tôi mời người đến nhà tiêm, truyền cho tôi. Dần dần tôi mới tỉnh và hết sốt nhưng người tôi càng gầy hơn trước. Tôi như suy kiệt, khi bước ra ngoài đi con run chân. Da tôi xanh sao như một tàu lá, chân tay tôi nổi đầy gân xanh.
Những ngày sau đó là chờ đợi và hồi hộp để nhận kết quả.
Một hôm tôi đang đi chơi cách nhà vài trăm mét. Thấy chú đưa thư cầm lá thư trên tay cứ giờ lên cao vừa đi vừa hô to. Cả làng ơi thằng Cường đỗ đại học rồi. Cứ vừa hô như vậy liên tục từ đầu làng đến cuối làng nơi nhà tôi ở. Dân làng tôi đang làm dưới ruộng cũng chạy lên để đến nhà tôi chúc mừng tôi. Vì rất lâu rồi có lẽ trước tôi cả làng tôi trong bao nhiêu năm từ khi có làng chắc chỉ có một người học đại học. Sau đó nhiều năm là đến tôi nên mọi người mừng lắm.
Họ đến nhà tôi chật chẳng có chỗ ngồi, nhiều người đứng ngoài sân. Tôi chạy về mọi người reo ầm lên, chúc mừng cháu nhé. Phúc đức quá, vui cho cả làng, tự hào cho cả làng ta. Có cháu làm rạng ranh cho làng ra. Bỏ công ông bà nuôi cháu đấy, cố gắng học tốt cháu nhé.
Nhiều người vui quá mà chân đang săn quần làm ruộng chân bẩn cũng chẳng kịp rửa cứ thế chạy đến nhà tôi. Khi tôi về nhà bố tôi đang ngồi trong nhà bóc xem kết quả của tôi. Có mấy bác, chú lớn tuổi đang ngồi với bố tôi. Khi tôi bước vào chào mọi người ấy nấy đều mừng như chính con họ đỗ vậy. Ở quê tôi tuy nghèo nhưng sống rất tình cảm nên việc nhà ai vui thì cả làng vui, buồn cả làng chia sẻ.
Lúc ấy bố tôi ngồi quay vào trong lấy tay quệt nước mắt và nói:
Tôi cám ơn các bác, các chú, các thím đã đến chúc mừng cho cháu. Nhưng nhà người ta con đỗ thì vui còn nhà tôi con đỗ thì buồn. Mọi người nói sao lại buồn được, cháu nó học tốt, chăm ngoan đỗ được là quá vui chứ.
Bố tôi bảo nhưng cháu nó không được đi học đâu. Gia đình tôi mọi người thấy cả rồi đó. Mẹ nó lúc tỉnh lúc mê, lúc người lúc thì ma. Tôi thì sức khỏe kém, ruộng thì cứ mất màu suốt lấy đâu ra tiền cho cháu nó đi học bao nhiêu năm.
Tôi nói với bố tôi:
Bố yên tâm đi con sẽ đi học được. Con đã có cách rồi bố không phải lo đâu.
Cháu cám ơn các bác, các chú thím đã đến chúc mừng cho cháu. Cháu sẽ quyết tâm học tập tốt để không phụ lòng gia đình cháu và các bác, chú thím đâu ạ.
Có thế chứ, cả làng mãi mới có một đứa đậu đại học mà không đi sao được. Người ta đang mong mãi không được mình được là phải đi. Khó khăn thì tìm cách dần dần cũng sẽ học xong. Một bác lớn tuổi nói như vậy, mọi người cùng nói vào. Cháu cứ đi học đi ở nhà có khó khăn gì dân làng sẽ cùng hỗ trợ bố mẹ cháu. Chỉ cần nghe vậy thôi tôi cũng hạnh phúc lắm rồi.
Số tiền tôi bán hết số mít về trả tiền cho người bán mít cho tôi số tiền còn lại dư được gần 3 triệu sau khi đã chi phí. Tôi yên tâm đã có số tiền này để nhập học.
Con đường tự lập bước vào đời thực sự bắt đầu từ đó. Sau những khó khăn đã trãi qua.Tôi nhìn lại thấy mình là người hạnh phúc bởi đã có rất nhiều người quý mến giúp đỡ để tôi có như ngày nay. Chính vì sự khó khăn đó mà giúp tôi có bản lĩnh để đương đầu với thử thách, luôn là người dám chấp nhận thách thức. Luôn dám đi đầu những điều mà nhiều người chưa dám làm. Chính vì ước mơ quá lớn của tôi đã khiến tôi hành động mạnh mẽ. Cũng chính vì khó khăn mà tôi đã không ngừng vươn lên để chinh phục thử thách. Đến bây giờ tôi muốn mang những kinh nghiệm, những bài học giá trị chia sẻ cho thật nhiều người để thành công trong cuộc sống.
Trải qua hơn 20 năm tôi đã có rất nhiều người đã giúp tôi, cũng có nhiều người coi thường tôi vì nghèo. Nhưng tôi cám ơn tất cả vì có họ mà tôi có thêm nghị lực để vươn lên . Sinh ra trong nghèo khó không phải lỗi của tôi. Nhưng tôi biết sống trong sự giàu có trong cả tư duy và nỗ lực có được.
Mong rằng câu chuyện thật của tôi sẽ giúp cho các em học sinh đang bước vào kỳ thi đại học có thêm động lực. Những ai đang còn khó khăn, đang không có ước mơ, không có động lực thì hãy nghĩ đến những gì tôi đã trãi qua. Tôi còn có cả một quảng dài sinh viên cơ cực sẽ còn chờ đợi tơi phía trước.
P/s: Trong giai đoạn khó khăn và sắp bước vào giai đoạn thi tốt nghiệp THPT của các em học sinh. Mong ai đọc được bài viết của tôi hãy chia sẻ để các em có thêm động lực nhé.
======/=/=/======
Diễn giả Đào Ngọc Cường – Chuyên gia đào tạo hàng đầu Việt Nam, Kỷ lục gia Diễn giả được mời nhiều chương trình nhất tại Việt Nam chủ đề: Giáo dục nhân cách cho học sinh. https://wake.edu.vn/
http://daongoccuong.com