Trung tâm gia sư Nhật Minh – 0968 974 858
Đi tỉnh công tác.
Buổi trưa họp xong rút điện thoại gọi cho chàng.
Nghe giọng khê khê, nhừa nhựa của một người có tuổi, mình nói dạ cháu chào bác, bác cho cháu gặp anh Tuấn Anh chút được không ạ !
Bên kia ho hai cái nói bác nào, Tuấn Anh đây. Em đang ngồi đâu để anh đến.
Mình bảo chưa biết ngồi đâu, để em chọn cái quán cà phê rồi nhắn anh địa chỉ nhé.
Chàng lại ho hai cái nói ô kê, đến ngó em phát, để xem sau 15 năm thời gian mất dạy đến mức nào!
Trời nắng gắt, đi bộ một quãng tìm quán cà phê mà mồ hôi chảy ướt đầm sau lưng.
Trên vỉa hè, mấy người xe ôm đậy mũ trên mặt lơ mơ ngủ.
Một chị bán nước mía đang cầm quạt xua ruồi.
Xe bus chạy ngược chạy xuôi.
Tiếng loa của anh bán hàng rong ọ ẹ cất lên bài hát gì đó, giọng Thanh Tuyền buồn rớt
“Mỗi năm đến hè lòng man mác buồn …”.
Cái thị xã nhỏ bé này vẫn thế, như cách đây 15 năm trước, khi còn sinh viên có lần chàng từng dẫn mình về đây chơi.
Quán cà phê đây rồi !
Bây giờ thì ngồi trong quán, gọi một li đen đá cho giống ngôn tình ba xu, nhắn cho hắn cái tin, rồi ngồi vác mặt ra đường nhìn ngắm thật kĩ cái nơi đã đẻ ra một thằng từng làm khổ đời mình nhất.
Cái đứa mà mình từng chết đi, sống lại mấy lần vì nghĩ không đến được với nhau thì sống cũng coi như đang đi nạng bên lề cuộc đời mà thôi.
Hơn nửa tiếng sau. Đang check zalo thì điện thoại báo có cuộc gọi.
Giọng chàng hổn hển : “Em ngồi chỗ nào nhỉ ?”.
Mình bảo anh đến chưa, em đang ngồi gần cửa sổ đây.
Ngó ra thấy một trung niên đang dựng chân chống con xe Attila cũ rích không biết nên gọi là màu gì vì trông rất lem nhem.
Dựng xe xong, trung niên rón rén cởi mũ bảo hiểm màu hồng (chắc mượn của vợ) cẩn thận đút vào cốp rồi loẹt quoẹt dép tổ ong bước vào.
Mình nhìn qua.
Thấy ngờ ngợ nhưng không chắc lắm.
Bốn mắt nhìn nhau bối rối.
Có một chút ngượng ngùng.
Rất nhiều hụt hẫng và thất vọng !
Nhưng cuối cùng thì mình cũng buộc phải thừa nhận trung niên này đích thị là Tuấn Anh, chàng lãng tử của mình năm nào.
Kéo ghế ngồi.
Hỏi chàng uống gì.
Chàng lúng túng nhìn quanh rồi ậm ừ uống gì cũng được.
Gọi li đen cho chàng.
Trong lúc chờ cà phê tranh thủ vừa hỏi chuyện vừa ngắm chàng.
Anh bây giờ thế nào ?
Chàng gãi đầu.
Anh vẫn thế.
Con em lớn chưa, chồng làm gì ?
Mình ngồi thừ ra.
Khi người ta nói “vẫn thế” với vẻ mặt và giọng nói ủ rũ, mỏi mệt sau 15 năm gặp lại, nghĩa là người ta không có gì đáng để khoe.
Mà nhìn chàng thì cũng biết.
Chàng già đi nhanh quá, mắt quầng sâu nhăn nheo vết chân chim, mỗi khi bật cười vu vơ lộ ra hàm răng xám xịt như răng cải mả.
Chàng bận cái áo phông xanh màu lá cây nhìn rất rợ, trên ngực in tên của một hãng dầu nhớt (chắc chàng đi thay dầu xe được họ cho); quần kaki màu bã trầu rộng thùng thình, loang lổ vết cáu bẩn, bên dưới dép tổ ong sứt mép đã được gia cố bằng mấy sợi thép.
Và nhất là ánh mắt ! Ánh mắt toát lên vẻ bất lực, nhẫn nhục và đầy ẩn ức của một vĩ nhân tỉnh lẻ sinh bất phùng thời.
Lãng tử ! Ôi chàng lãng tử một thời hoa mộng của em đây ư ?
Ngồi hỏi han về người này người nọ một lúc rồi cũng hết chuyện để nói bèn quay sang nhắc nhở kỉ niệm.
Ngày ấy mình dại nhỉ, đi chơi chỉ nắm tay nhau nhỉ. Ừm, anh khi ấy không có tiền, đưa em đi lên Tràng Tiền đọc sách chùa, đi qua hiệu kem thấy người ta ăn kem ốc quế thơm nức điếc hết cả mũi mà phải ngó lơ.
Vâng, em cũng biết anh không có tiền nên cũng không đòi.
Em còn nhớ anh hứa với em, khi nào ra trường công thành danh toại anh sẽ đưa em lên Tràng Tiền ăn bữa kem ốc quế cho thật no.
Thế mà em chưa được ăn kem thì đã chia tay.
Nấn ná thêm mươi phút, uống hết li cà phê, chàng xin phép về đi làm.
Mình thở phào nhẹ nhõm, vờ vịt làm bộ luyến tiếc nói ôi sao anh vội thế, lâu lắm mới gặp được nhau tí sao anh vội thế !
Chàng loẹt quoẹt dép tổ ong ra chỗ để xe.
Loay hoay một lúc, có vẻ như muốn nhắn nhủ điều gì đó, chàng bước xuống xe, cầm mũ bảo hiểm vẫy mình ra.
Trời vẫn nắng gắt, trên tán cây cơm nguội có con chim sâu vừa chuyền cành vừa hót.
Một làn gió khẽ khàng thổi qua mát dịu.
Chàng chớp chớp mắt như sắp sửa nói ra một điều hết sức thầm kín và hệ trọng.
Mình tiến lại gần, không dám nhìn sâu vào mắt chàng vì sợ trong một khoảnh khắc xúc động không kiềm chế được cảm xúc, nước mắt chàng sẽ rơi.
– Anh nói này !
– Dạ !
– Có tiền đó không, cho anh vay năm chục đổ xăng …?!
NỘI DUNG LIÊN QUAN
- Đàn ông không muốn đánh mất người phụ nữ thế nào?
- Đàn ông ngoại tình thích gì ở người tình
- Sức mạnh của 4 câu thần chúa
CHUYÊN MỤC: Trường hôn nhân | Xuất bản ngày 11/3/2020