Trung tâm gia sư Nhật Minh – 0968 974 858
Trong quá trình đạo Phật du nhập vào nước ta khoảng đầu công nguyên thì Phật giáo có xu hướng dân gian hóa.
Đạo Phật và đạo Mẫu có sự thâm nhập và tiếp thu ảnh hưởng lẫn nhau khá sâu sắc.
Ở hầu hết các ngôi chùa Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ đều có điện thờ Mẫu.
Phổ biến nhất là dạng tiền Phật hậu Mẫu.
Việc xuất hiện Mẫu trong chùa, theo nhà nghiên cứu Trần Lâm Biền, vào khoảng thế kỷ 17-18, người ta đi chùa vừa để lễ Phật vừa để cúng Mẫu.
Một số tăng ni có “căn quả” cũng trở thành tín đồ của đạo Mẫu, họ ngồi đồng hay ít nhất cũng tham dự các nghi lễ của đạo Mẫu.
Có nhiều ngôi chùa ở Nam Bộ lại thờ Mẫu là chính, như chùa Hang ở Linh Sơn (núi Bà Đen) hay chùa Bà ở TP Hồ Chí Minh.
Có một dòng Phật – Mẫu trong các ngôi chùa ở Nam Bộ. Đây không phải là Thánh Mẫu Liễu Hạnh như ở Bắc Bộ, mà là Phật Mẫu Diêu Trì (Diêu Trì Kim Mẫu, một hóa thân của Cửu Thiên Huyền nữ của Đạo giáo).
Gần đây trong một số ngôi đền thờ Mẫu Tam phủ, Tứ phủ ở Bắc Bộ, nhất là ở TP Hồ Chí Minh cũng đã có sự hiện diện của vị Thánh Mẫu này.
Không chỉ có con đường các điện Mẫu đi vào chùa, mà còn có đường ngược lại – Phật đi vào các đền phủ thờ Mẫu.
Trong điện thần cũng như cách thức phối tự ở các ngôi đền, phủ, ta đều thấy sự hiện diện của Phật, mà đại diện cao nhất là Phật Bà Quan Âm cứu khổ cứu nạn cho chúng sinh.
Quan Âm trong Phật giáo Ấn Độ vốn là một nam thần, nhưng khi qua Trung Quốc và nước ta đã bị “nữ thần hóa”, thậm chí “Mẫu hóa” để trở thành Quan âm Thánh Mẫu của đạo Mẫu Việt Nam.
Trong các ngày giỗ Mẫu – giỗ Mẹ, đều có nghi thức rước Mẫu lên chùa đón Phật về đền phủ cùng tham dự ngày hội. Trong hệ thống các bài chầu văn thì có văn chầu Nhị vị Bồ Tát …
Truyền thuyết về Liễu Hạnh công chúa còn ghi rõ sự tích Sòng Sơn đại chiến.
Theo đó, trong lúc Mẫu Liễu đang bị các đạo sỹ của phái Đạo Nội lừa, thu hết phép thuật, dồn vào tình thế nguy kịch bị bắt giữ thì Thích Ca Mâu Ni đã ra tay cứu độ, giải thoát cho Liễu Hạnh công chúa.
Từ đó, Thánh Mẫu Liễu Hạnh quy y, nghe kinh tuân pháp, chuyển hóa từ bi theo gương Phật.
Ở Tây Thiên, Vĩnh Phúc, sự kết hợp thờ Mẫu và Phật cũng rất chặt chẽ, tạo nên một dạng tín ngưỡng Phật – Mẫu, Mẫu – Phật.
Tại đây, bất cứ nơi nào có đền thờ Mẫu đều có chùa thờ Phật và ngược lại, hình thành nên một quan niệm “Đến với Phật, về với Mẫu” trong hoạt động hành hương của con người.
Hình tượng Bà Chúa Ba ở chùa Hương cũng thể hiện sự hòa quyện sâu sắc giữa Phật và Mẫu…
Hai thứ tín ngưỡng này bổ sung cho nhau, đáp ứng nhu cầu tâm linh của nhân dân: theo Phật để tu nhân tích đức cho đời kiếp sau được lên cõi Niết Bàn cực lạc; còn theo đạo Mẫu là mong được phù hộ độ trì mang lại sức khỏe, tài lộc, may mắn cho đời sống hiện hữu thường ngày ở trần gian.
(Gs, Ts Ngô Đức Thịnh)
Để lại một bình luận