Trung tâm gia sư Nhật Minh – 0968 974 858
Hoàng đế Lê Thánh Tông là một vị minh quân lớn của đất nước. Tầm vóc và sự vĩ đại của ông trước và sau ông có lẽ ít ai sánh bằng.
Lịch sử gọi thời kỳ trị vì của ông là “Hồng Đức Thịnh Thế” với những dấu ấn đặc biệt quan trong về mọi mặt từ quân sự đến kinh tế, văn hóa, xã hội.
Tuy nhiên, Hoàng đế cũng là con người, có tài năng thì cũng có những hạn chế.
Theo một góc nhìn nào đó thì ông cũng có những điều chưa hẳn là tốt.
Cụ thể như:
1. Chính sách kinh tế, xã hội còn hạn chế.
Lê Thánh Tông chú trọng chọn quan lại, củng cố bộ máy, nghiêm khắc bài trừ tệ tham nhũng, biếng nhác của quan lại. Tuy nhiên, ông không thể diệt trừ triệt để tệ tham nhũng vì bản chất cồng kềnh và lương ít của bộ máy quan liêu do ông lập ra với đủ các bộ, tự, ban, viện …
Theo nhà sử học Đào Duy Anh, tổng sổ quan văn, võ phục vụ dưới thời Lê Thánh Tông có đến 5370 người, gồm 2755 quan triều đình và 2645 quan địa phương.
Sau hơn 20 năm trị vì, Lê Thánh Tông mới thoáng thấy tình trạng “quan viên quá nhiều, tiêu phí lộc kho” nên năm 1481 “có lệnh chọn thải bớt người” để đỡ gánh nặng cho nhà nước.
Chăm lo nông nghiệp và thủ công nghiệp trong nước nhưng chính sách kinh tế gắt gao với ngoại thương đã kìm hãm sự phát triển kinh tế của Đại Việt với bên ngoài.
2. Lê Thánh Tông có trọng dụng nhân tài ?
Ông là người giải oan cho Nguyễn Trãi trong Vụ án Lệ Chi Viên nhưng vì tư tưởng Nho giáo “trọng nam khinh nữ” mà ông không ngó ngàng gì đến bà Lễ Nghi học sĩ Nguyễn Thị Lộ.
Lê Thánh Tông tuy có phục hồi cho Nguyễn Trãi nhưng lại hạ tước vị từ tước “Á Hầu” xuống tước “Bá”. Đến năm 1512, Hoàng đế Lê Tương Dực mới truy tặng Nguyễn Trãi tước Tế Văn Hầu.
Lương Thế Vinh giỏi nhưng không được trọng dụng, hay đúng hơn là không được phát huy đúng tài năng. Giữa Lê Thánh Tông và Lương Thế Vinh mâu thuẫn giữa văn và toán, Nho và Phật…
Một nhân tài như Trạng Nguyên Lương Thế Vinh chỉ làm đến chức Chưởng viện sự ở Hàn Lâm Viện.
Có lẽ Lê Thánh Tông đã bỏ lỡ cơ hội đưa đất nước thoát khỏi gọng kìm của Trung Hoa, có bước đi “canh tân” đất nước.
3. Chính sách dân tộc “hạn hẹp” với Nhà Trần.
Năm 1460, sau khi lên ngôi, Hoàng đế Lê Thánh Tông đã ra lệnh bắt toàn bộ những người thuộc họ Trần đổi họ sang họ Trình. Ông dựa vào việc kỵ húy tên của phi tần Hoàng đế Lê Thái Tổ là bà Phạm Thị Ngọc Trần (bà là mẹ đẻ của Hoàng đế Lê Thái Tông, tức Cung Từ Hoàng Thái Hậu).
Không chỉ là việc kiêng kỵ, Lê Thánh Tông đã thi hành nhiều chính sách nhằm xóa bớt sự ảnh hưởng của tiền triều trong đời sống người dân. Chính điều này đã gây ra nhiều vụ loạn của Nhà Lê sau này.
Tiêu biểu như loạn Trần Tuân năm 1511 ở Sơn Tây, loạn Trần Cao năm 1516 ở Đông Triều, đất gốc nhà Trần.
Điều này khác biệt với Hoàng đế Nguyễn Thế Tổ (Nhà Nguyễn), cho khôi phục Thái miếu Nhà Lê, tìm hậu duệ Nhà Lê phong tước vị cao quý.
4. Độc tôn Nho giáo, xóa bỏ sự đa dạng tôn giáo của hai triều Lý – Trần.
Một việc gây hậu quả nghiêm trọng đối với tiến trình lịch sử dân tộc và ảnh hưởng kéo dài đến tận Nhà Nguyễn (thậm chí cả xã hội hiện đại ngày nay) là chính sách độc tôn Nho giáo của Nhà Lê, nhất là thời Lê Thánh Tông.
Sau khi lên ngôi Hoàng đế, ông đã ra lệnh cấm quan lại, người dân xây mới mới Chùa thờ Phật và quán Đạo.
Năm 1463, ông ra lệnh cấm: “Thiền sư, đạo sĩ toàn quốc từ nay không được giao tiếp, chuyện trò với người trong cùng đình”.
Dưới thời trị vì của ông tinh thần “quốc gia mở nước tự có pháp độ riêng” của hai Nhà Lý,Trần đã bị xóa bỏ. Chỉ còn lại sự độc quyền tư tưởng Nho giáo để độc quyền quân chủ, điều này đã hạn chế tư tưởng tự do, khai phóng của người dân đương thời.
Mãi sang triều Nhà Mạc, với sự khủng hoảng của hệ tư tưởng Nho giáo thì Đạo giáo và tín ngưỡng dân gian mới lại tìm được chỗ đứng trong xã hội.
5. Can thiệp vào công việc của Quốc sử viện.
Một sự kiện thể hiện tư duy “độc quyền” của Hoàng đế Lê Thánh Tông là năm 1467, ông ép sử quan trong Quốc sử viện “phải cho vua xem nhật lịch quốc sử”.
Quốc sử là loại sách không một Hoàng đế nào được quyền xem.
Quốc sử viện, đứng đầu là Tu Soạn, là cơ quan chép sử của triều đình. Nhà vua nói gì, làm gì, sử quan đều phải ghi chép cẩn thận và trung thực.
Hành động này chứng tỏ Lê Thánh Tông đã can thiệp vào ghi chép trong chính sử.
6. Chính sách văn hóa khiến giá trị dân tộc truyền thống không có cơ hội phát triển.
Trong tác phẩm Việt Nam Phật Giáo Sử Luận của Giáo sư Nguyễn Lang đánh giá: “Nhà Lê thắng nhà Minh về quân sự nhưng lại thất bại với Minh về văn hóa.”
Điển chế, nhã nhạc, lễ nghi Hoàng gia sao chép “tỉ mỉ” bên Trung Hoa mà ít có sự sáng tạo.
Không chỉ cấm điệu hát Rí Ren (có gốc gác sâu xa từ trò “trồng nụ trồng hoa”, được khắc họa trên trống đồng cách đây hơn 2.000 năm), Lê Thánh Tông còn đuổi chèo dân gian ra khỏi Tử Cấm Thành “vì hay châm biếm người trên” (1465).
Chính vì độc tôn Nho giáo thời kỳ này mà tư duy “trọng nam khinh nữ” thời này khá sâu sắc
Năm 1470, Lê Thánh Tông ra chỉ dụ bắt vợ phải để tang chồng 3 năm như để tang cha mẹ. Lê Thánh Tông ban 24 điều huấn theo tư tưởng Nho giáo, bắt phổ biến toàn dân.
7. Trọng Nho giáo nhưng Hoàng đế Lê Thánh Tông lại vi phạm giá trị chữ “hiếu” căn bản của Nho gia.
Ngay cả Quốc sử viện Nhà Lê khi biên soạn Đại Việt Sử Ký Toàn Thư cũng để lại dòng nhận xét “tình nghĩa anh em thiếu lòng nhân ái, đó là chỗ kém”.
Chuyện đó không chỉ là “tranh chấp quyền lực, phòng ngừa hậu họa” như phim cổ trang Hoa ngữ.
Năm 1476, Lê Thánh Tông đã ra lệnh giết đại thần Lê Lăng và anh ruột là Cung vương Khắc Xương.
Cung vương Khắc Xương là một người “phong nhã đạm bạc, ăn mặc chi dùng dè sẻn, chất phác như 1 nho sinh”, đã “cố ý từ chối ngôi vua” để cho em lên làm vua. Một người “. Điều này khác với giá trị nhân văn của đạo Phật thời Lý – Trần.
Dĩ nhiên, chuyện này cũng không của riêng đời Lê Thánh Tông, mà được “kế thừa” từ tranh chấp quyền lực các đời vua Lê trước.
8. Một ông vua mê sắc và cái chết không thể “ai oán” hơn.
Đại Việt Sử Ký Toàn Thư ghi lại: “Tiếc rằng vua nhiều phi tần quá, nên mắc bệnh nặng. Trường Lạc hoàng hậu bị giam ở cung khác, đến khi vua ốm nặng mới được đến hầu bệnh, bèn ngầm giấu thuốc độc trong tay mà sờ vào chỗ lở, bệnh vua do vậy mới lại thêm nặng”.
9. Lê Thánh Tông tận diệt người Chiêm Thành.
Người ta ca ngợi chiến công mở rộng lãnh thổ về phương Nam của ông, nhưng cũng không nên quên hơn 60.000 người Chăm bị giết và 30.000 bị bắt làm nô tỳ cho quân Đại Việt.
Kinh thành Vijaya của Chiêm Thành bị phá hủy hoàn toàn kể cả 2 anh em vua Chiêm là Trà Toàn, Trà Toại cùng vợ con
Người phương Bắc xâm lược phương Nam thi hành chính sách đồng hóa, tham nhũng, vơ vét của dân nhưng không hiếu sát như Lê Thánh Tông.
Sau này hậu duệ của Trà Toàn và người Chiêm bị bắt ra Thăng Long làm nô lệ đã nổi dậy, “các nô người Chiêm của các nhà thế gia công thần và ở các điền trang cũng đều trốn về nước”, họ xúi giục người Việt làm loạn. Và người Chiêm cũng tác động không nhỏ đến việc Trịnh Kiểm sau này “giành quyền” của Nhà Lê.
“Văn trị – Lễ trị – Nhân trị – Đức trị” là nguyên tắc cai trị quốc gia có tính chất đường lối căn bản của Nho giáo. Vậy mà Lê Thánh Tông đã vi phạm giá trị lớn lao của chữ Đức và Nhân
Việc này còn ảnh hưởng sau này khi Hoàng đế Nguyễn Thánh Tổ của Nhà Nguyễn, một người “nêu gương” Lê Thánh Tông và tôn sùng Nho giáo. Sử liệu ghi lại rằng Nguyễn Thánh Tổ ra lệnh rằng mỗi người lính Việt Nam phải chém được ba đầu người Chăm trong một ngày thì họ mới được hưởng lương bổng.
10. Tài năng văn thơ đến đâu ?
Lê Thánh Tông còn là một nhà hóa lớn, ước tính ông có hàng ngàn sáng tác bằng chữ Hán và chữ Nôm, trong đó thơ chữ Hán ngày nay còn hơn 350 bài.
Nhưng thật lạ là … không có bài nào được dạy học trong chương trình phổ thông.
Các sử gia phê phán ông về việc xây dựng nhiều công trình, cung điện vượt quá quy mô, quá trọng văn chương phù phiếm mà xa rời thực tế.
Nguồn tham khảo, tra cứu:
– Đại Việt Sử Ký Toàn Thư.
– Khâm định Việt sử Thông giám Cương mục.
– Việt Nam Sử Lược
– Lịch sử Việt Nam toàn tập, Viện sử học.